TIN MỚI
Lực cầu mạnh nhưng hấp thụ yếu
Từ giữa năm 2022, chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát chặt hoạt động trái phiếu và hành động tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, những vướng mắc, chồng chéo của các luật liên quan tới bất động sản đã tồn tại từ lâu tăng phần gây nên những khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó, thanh khoản trên thị trường có sự sụt giảm mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản, cho biết mặc dù vẫn ổn định nhờ tốc độ phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng lớn mạnh, nhưng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, lực hấp thụ yếu trong khi lực cầu vẫn rất mạnh. Đó là một nghịch lý cần phải được xem xét.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đánh giá, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh. Bên cạnh đó, trong những khó khăn của thị trường hiện nay, pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể rơi vào suy thoái, khủng hoảng.
Thị trường bất động sản 2023 bước qua khó khăn
Năm 2022 là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, bước sang năm mới, thị trường được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại nhờ những chính sách đang tiếp tục được triển khai. Cụ thể, Nghị quyết 43 (gói 350.000 tỷ đồng) và Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023 để thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành của nền kinh tế; hỗ trợ người dân thu nhập thấp sở hữu nhà thông qua gói hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản (tương tự gói 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 – 2016).
Trong trường hợp các chỉ đạo ưu tiên giải ngân các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, gỡ vướng các dự án chậm triển khai được xử lý sớm sẽ là tiền đề để khơi thông nguồn vốn và pháp lý cho thị trường. Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống luật liên quan bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi,…) sẽ góp phần gỡ điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng từ nội tại quốc gia và diễn biến chung của thế giới. Theo đó, khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại trong năm 2023, nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch là từ 2,2 – 3%.
Chính phủ Việt Nam tích cực áp dụng nhiều công cụ để tạo động lực tăng trưởng cũng sẽ là lực đẩy lớn cho diễn biến phục hồi nền kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như đẩy mạnh đầu tư công và cơ cấu, hoàn thiện thể chế pháp lý. Những yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy bức tranh kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản năm 2023 nói riêng bước qua khó khăn.
“Hiện nay, Thủ Tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường phục hồi”, chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Lực nhận định, bối cảnh hiện nay rất khác so với giai đoạn cách đây 10 năm. Tâm lý sợ trách nhiệm hiện nay cũng rất khác so với cách đây 10 năm và đây là một cái khó. Nếu tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc thì thị trường bất động sản sẽ phục hồi rất nhanh bởi lực cầu còn rất lớn.
Vị chuyên gia dự báo, thị trường địa ốc có khả năng sẽ phục hồi dần dần từ quý IV/2023, nhưng sẽ phục hồi một cách từ từ chứ không có chuyện bùng phát trở lại. Bởi có rất nhiều vướng mắc hiện nay cần phải có thời gian mới xử lý được, tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần thời gian để hồi phục.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2023 vẫn phải rất thận trọng trong bối cảnh thị trường đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi kinh tế thế giới nhiều bất ổn. Trong nước, thị trường bất động sản không khủng hoảng mà chỉ là xấu đi do một số điểm nghẽn. Theo quan sát của vị chuyên gia, các nhà đầu tư đang trực chờ cơ hội để xuống tiền. Nếu khó khăn vướng mắc được tháo gỡ thì thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng.
“Việc Chính phủ thành lập Tổ công tác cũng chính là đã nhìn thấy các vấn đề, điểm nghẽn trên thị trường bất động sản. Và nhiệm vụ của Tổ Công tác là phải tìm ra giải pháp để gỡ các điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn về pháp lý và tín dụng. Nếu xử lý được các điểm nghẽn thì quý II/2023, dự báo các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn”, ông Đính nhận định.
Nhìn lại chu kỳ bất động sản “lên bổng xuống trầm”, nắm bắt thời cơ đầu tư mới
Minh Tâm
Nhịp sống thị trường