TIN MỚI
Tết Nguyên đán là thời gian nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều điểm giao dịch ATM những ngày sát Tết khá vắng vẻ, lượng khách hàng đi rút tiền mặt ít hơn nhiều so với những năm trước.
Từ hôm nay (20/1 dương lịch – 29 Tết), phần lớn các ngân hàng đã chính thức nghỉ Tết, dừng phục vụ khách hàng tại quầy. Dù vậy, rất ít điểm giao dịch ATM có tình trạng tắc nghẽn hay người dân phải xếp hàng dài để chờ rút tiền. Giao dịch nhìn chung khá thông suốt và nhanh chóng.
Ngay tại các khu công nghiệp, hình ảnh người lao động phải xếp hàng trước các cây ATM để rút tiền về quê ăn Tết cũng không còn nhiều như những năm trước.
Chị Thanh Huyền (nhân viên QC, Bình Dương) chia sẻ, năm nay sát Tết nhưng các cây ATM vẫn không quá đông người đến rút tiền, chỉ tương tự như các ngày bình thường trong năm. Một số doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ Tết sớm, có nơi cho nghỉ từ Tết dương nên công nhân đã rút tiền mặt từ sớm. Ngoài ra, hiện tại các phương thức thanh toán điện tử rất tiện lợi, kể cả không có tiền mặt vẫn có thể mua sắm, chi tiêu bằng ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, quét mã QR, quẹt thẻ, “Ngay bản thân mình cũng chỉ đi rút tiền mặt ATM 1 lần duy nhất trong 2 tháng qua, chỉ cần một số tiền đủ để để chi tiêu cơ bản và đi tàu xe, về quê có thể rút tiền tiếp, hoặc lại thanh toán online vì ở quê cũng đã rất phát triển, sử dụng app ngân hàng, ví điện tử, mobile money bắt đầu phổ biến hơn”.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã áp dụng các máy CDM có khả năng phục vụ hạn mức nhiều hơn so với máy ATM, giúp khách hàng giảm thiểu thời gian giao dịch.
Theo thông tin của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong những năm gần đây, lĩnh vực thanh toán điện tử liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, càng về những ngày sát Tết Nguyên Đán, cùng với nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, số lượng giao dịch chuyển tiền/ thanh toán trực tuyến cũng xu hướng tăng theo. Bởi người dân hiện nay ngày càng có thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn trong chi tiêu, mua sắm hàng ngày.
Tuy nhiên, hệ thống NAPAS chưa ghi nhận tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch. Các ngày đầu tháng 1 năm 2023, giao dịch chỉ tăng khoảng 20% so với trung bình những tháng cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS cho biết, hoạt động thanh toán điện tử tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021. Đáng chú ý, tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Theo đó, con số tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt hiện nay chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.
Cũng qua ghi nhận từ NAPAS, 1 tuần trước Tết Nguyên Đán, tại một số thời điểm đã phát sinh tình trạng một vài ngân hàng xử lý chưa được đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch của khách hàng. Trước thực trạng nói trên, NAPAS chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên để triển khai các giải pháp tối ưu nâng cao chất lượng dịch vụ, bên cạnh tăng cường nguồn nhân lực trực 24/7, đặc biệt vào các ngày giáp Tết, qua đó giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền/ thanh toán một cách thuận tiện, an toàn và nhanh chóng.
Không chỉ giao dịch ATM giảm mạnh mà giao dịch trên các ứng dụng ngân hàng số năm nay cũng không còn nhiều sự cố, tình trạng gián đoạn. Hoạt động chuyển tiền, thanh toán nhìn chung diễn ra nhanh chóng, thông suốt. Trong những năm gần đây, trước việc giao dịch trên Mobile Banking tăng mạnh, các nhà băng đã chi mạnh để nâng cấp hạ tầng công nghệ để đáp ứng được những giai đoạn cao điểm có nhiều khách hàng cùng truy cập một lúc.
Minh Vy
Nhịp sống thị trường