7 cách để không gian sống trở thành nơi chữa lành tâm hồn


Trong thời đại càng ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà, việc trang trí căn phòng nhỏ của mình trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết. Làm việc ở nhà quá nhiều, đôi lúc bạn sẽ có cảm giác không gian xung quanh chật chội hơn bình thường. Có lẽ cảm giác ngột ngạt được cảm nhận rõ ràng nhất trong thời kỳ đỉnh dịch, thời điểm mà “nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt, họ bất an, âu lo và suy sụp tinh thần”, Kathleen Kendall Tackett, nhà tâm lý học sức khỏe tại Trường Y khoa Đại học Công nghệ Texas, cho biết.

Đúng là không gian nhỏ có thể gây cảm giác ngột ngạt hoặc căng thẳng, nhưng bạn cũng có thể tận dụng một số thủ thuật bài trí để tăng cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng. Theo Jaime Kurtz, giáo sư tâm lý học tại Đại học James Madison nhận định, thực tế là kỹ năng thích nghi với không gian nhỏ hẹp đã nằm sẵn trong bộ gen của chúng ta từ thời kỳ bình minh của loài người.

Dưới đây là một số phương pháp khoa học giúp biến không gian chật thành một nơi hạnh phúc, yên lành hơn.

1. Bắt đầu từ việc dọn dẹp trước

Các nhà nghiên cứu chỉ ra không gian bừa bộn có thể “đè nặng” thể chất và tâm lý của bạn. Một nghiên cứu năm 2017, được xuất bản trên tạp chí Tâm lý học Hiện đại, chỉ ra sự bừa bộn thực sự làm giảm năng suất và gây ra thói trì hoãn kinh niên. Kendall Tackett, tác giả cuốn sách “Ngôi nhà ngăn nắp” cho biết, loại bỏ sự lộn xộn thực sự giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.

Vấn đề có thể được khắc phục khá đơn giản: dọn sạch sẽ ngôi nhà, vứt bớt những thứ bạn không cần đến, món nào cần giữ lại thì sắp gọn gàng. Hạn chế mua những đồ vật bành trướng, chiếm nhiều diện tích. Hãy sắp xếp đồ đạc theo “không gian dọc” – tức là ưu tiên tủ có nhiều ngăn, hoặc các giá giữ đồ có thể xếp chồng lên nhau. Các hộp nhỏ đựng đồ có thể đặt bên dưới hộc bàn hoặc bên trên tủ.

2. Tạo ra ranh giới cần thiết

Nếu bạn ở chung nhà với người khác, Kendall Tackett khuyên bạn nên có những ranh giới rõ ràng với đối phương. Bạn có thể làm một vách ngăn trong căn phòng để đảm bảo riêng tư. Với những vật dụng cá nhân, bạn có thể nghĩ đến việc đặt vào một giá để đồ riêng.

Nếu muốn người khác không vượt qua ranh giới, chính bạn cũng cần học cách không xâm phạm không gian cá nhân của người kia. Không gian ở đây bao gồm cả âm thanh, ánh sáng. Ví dụ, nếu bạn đang xem TV vào ban đêm và người kia đang ngủ, hãy sử dụng tai nghe và giảm độ sáng màn hình xuống.

3. Dùng màu sắc để điều hòa cảm xúc

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, không gian nhỏ nhưng được sơn màu sáng sẽ có cảm giác thoáng đãng, bởi màu sáng phản chiếu nhiều ánh sáng hơn, nhờ đó làm cho không gian rộng rãi hơn. Tuy nhiên, Sally Augustin, một nhà tâm lý học môi trường và thiết kế ở Chicago nói rằng, điều này không có nghĩa là bạn phải trang trí căn phòng của mình bằng màu trắng hoàn toàn. Augustin khuyên rằng bạn nên thử nghiệm với các màu lạnh, vì màu lạnh đem lại sự thư giãn, ví dụ như sơn trần nhà màu xanh nhạt – vừa dịu mắt, vừa có cảm giác trần nhà cách xa hơn.

Để tạo điểm nhấn thị giác, bạn có thể chọn một vài phụ kiện có màu sắc rực rỡ như gối, chăn, bình hoa. Không gian nhờ đó sẽ sống động và hòa nhã hơn. “Điều hay nhất về việc trang trí trong không gian nhỏ hẹp là một phụ kiện nhỏ thôi cũng tạo ra ảnh hưởng lớn”, Kurtz nói thêm.

4. Đặt gương trang trí

Gương là một công cụ “xuất sắc” nếu bạn muốn nâng cấp không gian. Gương vừa có thể phản chiếu ánh sáng lại tạo ra ảo giác về một không gian được nối dài. Vị trí lý tưởng là treo gương đối diện cửa sổ, nhưng hãy tự tìm ra nơi thích hợp nhất để treo gương, bởi ánh sáng chiếu vào mỗi ngôi nhà là khác nhau.


5. Chọn những đồ vật có hình dáng thuôn tròn và kết cấu nhẹ nhàng

Hình học cũng có tác động đến tâm lý. Nghiên cứu chỉ ra các nét tròn và đường cong có thể thúc đẩy sự thoải mái và dễ chịu, trong khi các đường chéo và góc cạnh gia tăng cảm giác bất an. Đây là lý do bạn nên đầu tư cho các đồ vật có thiết kế cong tròn, ví dụ một tấm thảm hình bầu dục.

Ngoài hình dạng, chất liệu cũng quan trọng. Việc kết hợp các loại vải mềm, như vải nhung hay vải lông cừu, giúp tạo ra môi trường thư giãn. Chạm vào các bề mặt mềm mại giúp giải phóng oxytocin, một loại hormone có tác dụng làm dịu cơ thể, giảm stress.

6. Tận dụng hương thơm


Nghiên cứu chỉ ra một số loại hương tự nhiên như quế, vỏ cam có tác dụng chống âu lo, bất an và trầm cảm, vì vậy bạn có thể thử ngâm quế, vỏ cam trong nước, rồi đun nước nhỏ lửa. Hoặc có thể đầu tư hơn với nến thơm và máy phun sương tinh dầu.

Nếu được, hãy dùng mùi hương gợi nhắc về cảm giác rộng rãi thoáng đãng trong trí nhớ của bạn. Ví dụ, mùi hoa nhài hay tinh dầu bưởi khiến bạn nhớ về quãng thời gian vui chơi tại các khu rừng thoáng mát ở Đà Lạt, vậy bạn có thể chọn tinh dầu mùi hoa nhài hay tinh dầu bưởi.

7. Mang thiên nhiên vào nhà

Theo một nghiên cứu năm 2021 tại Đại học Konkuk ở Hàn Quốc, mọi người có xu hướng cảm thấy thoải mái, thư giãn và tích cực hơn khi ngắm nhìn cây. Vì vậy, hãy đặt một vài chậu cây cảnh nhỏ ở cửa sổ hoặc góc phòng. Thực vật cung cấp oxy và sẽ giúp phòng phần nào bớt ngột ngạt. Nếu bạn không có thời gian chăm cây, bạn có thể mua tạm cây giả hoặc treo một số bức tranh thiên nhiên cũng được, dù sẽ không hiệu quả bằng cây thật.

Ngoài ra, âm thanh từ thiên nhiên, như tiếng suối, lá xào xạc kêu, tiếng chim hót, sóng biển, cũng giúp điều hòa tâm trạng khá tốt.

Nghiên cứu từ Đại học Chiba, Nhật Bản cho thấy việc tiếp xúc với âm thanh trong rừng làm điều hòa nhịp tim và làm dịu hệ thần kinh giao cảm – hệ thống chịu trách nhiệm cho cơ chế phản ứng căng thẳng cấp tính.

Nhìn chung, âm thanh tự nhiên có tác dụng cải thiện tâm trạng. Bạn có thể dùng YouTube để mở các video có chứa âm thanh rừng cây, hoặc sử dụng các ứng dụng âm thanh có sẵn trên điện thoại.

Tác giả: Đông Hà

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

Bài viết mới