Quảng Nam ‘’chốt’’ số phận của các dự án bất động sản chậm tiến độ

Ngày 16/1/2023, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Công văn số 320/UBND-KTN về việc phối hợp giải quyết các dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cụ thể đối với các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị.

Cụ thể, đối với nhóm dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (đối với dự án thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp) chủ trì, phối hợp với địa phương nơi có dự án làm việc với các chủ đầu tư để đôn đốc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, cam kết thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán dự án.

Đối với nhóm dự án kéo dài nhiều năm nhưng chỉ mới thực hiện thủ tục đầu tư, chưa triển khai, chưa giao đất thì UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát, tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (đối với dự án thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp) để chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh hoặc dừng thực hiện dự án.

Đối với các dự án chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo các phương án có liên quan.

Trong đó, nhóm dự án có diện tích vướng giải phóng mặt bằng với tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích dự án, khả năng giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại cao, cộng đồng dân cư ủng hộ và nhà đầu tư quyết tâm thực hiện thì cho gia hạn tiến độ thực hiện dự án phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với các Phòng, đơn vị, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, dứt điểm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công, hoàn thành toàn bộ dự án đáp ứng mục tiêu, quy mô đề ra.

Riêng đối với nhóm dự án có diện tích vướng giải phóng mặt bằng với tỷ lệ lớn so với tổng diện tích dự án, khả năng giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại không cao, cộng đồng dân cư không ủng hộ thì điều chỉnh tách phần diện tích không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, đưa vào chỉnh trang.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư chỉnh trang phù hợp, khả thi, đảm bảo tính kết nối của dự án với hạ tầng chung của khu vực. Yêu cầu nhà đầu tư thực hiện công tác chỉnh trang theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua, trường hợp nhà đầu tư không thực hiện việc chỉnh trang thì không được tiếp tục thực hiện dự án.

Đối với các dự án không có tính khả thi trong công tác giải phóng mặt bằng thì tổ chức kiểm tra, rà soát điều chỉnh quy hoạch đưa vào chỉnh trang để kết thúc dự án.

Đặc biệt, đối với các dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, thiếu năng lực, UBND cấp huyện kiểm tra, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (đối với các dự án thực hiện trên địa bàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp) để chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu ưu tiên quỹ đất này để thực hiện chỉnh trang kết hợp với đầu tư xây dựng các khu tái định cư, các công trình công cộng, cây xanh,…

Bài viết mới