BỘ XÂY DỰNG: Nhiều vướng mắc khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn nhà đầu tư

Bộ Xây dựng cho biết, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận… chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Cử tri TP Hải Phòng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh các quy định của pháp luật về nhà ở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể về việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận… chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, ngày 16/8/2021 Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư số 09 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Trong đó, Thông tư đã dành 01 Chương quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp). Các quy định này đã góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích gần 7,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân có chỗ ở.

“Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận…chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội”, Bộ Xây dựng thông tin.

Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Cũng theo Bộ Xây dựng, những nội dung này cũng đã được Thủ tướng chỉ ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 01/8/2022. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030

Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34 ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê… để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi chủ đầu tư, chính sách về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội… nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã đề xuất 1 mục riêng về phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân, người lao động, góp phần thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Bài viết mới