'Big 4' ngân hàng lãi tỷ USD

Năm nay, lợi nhuận của mỗi ngân hàng trong nhóm “Big 4” tăng trưởng mạnh và xấp xỉ ngưỡng một tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng).

Chia sẻ với VnExpress, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Nguyễn Thị Phượng cho biết nhà băng đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022.

Theo đó, lợi nhuận của ngân hàng 100% vốn nhà nước này tăng khoảng 40% so với năm trước. Với kết quả này, Agribank cùng hai ngân hàng có vốn nhà nước khác là BIDV, VietinBank đều ghi nhận mức lợi nhuận tiệm cận ngưỡng một tỷ USD.

Năm qua, BIDV là nhà băng quốc doanh bứt phá mạnh nhất với mức lợi nhuận riêng lẻ tăng trưởng gần 80%. Cú nhảy vọt về lợi nhuận khiến BIDV từ top cuối của Big 4 vươn lên đứng thứ hai trong năm 2022, chỉ sau Vietcombank.

BIDV hiện là nhà băng có tài sản lớn nhất hệ thống với quy mô hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với đầu năm. Tính tới cuối năm ngoái, huy động vốn của nhà băng này tăng 8,8% còn dư nợ tín dụng tăng 12,65% so với đầu năm, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9% và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu lên tới 245% (tức với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro 245 đồng).

Còn tại VietinBank, đà tăng trưởng có phần chậm hơn khi lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2%, bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190%.

Quán quân lợi nhuận năm ngoái vẫn thuộc về Vietcombank với mức lãi riêng lẻ tăng gần 40% lên 36.770 tỷ đồng, cách biệt lớn với nhóm còn lại.

Chưa kể, nhà băng này còn “khoản để dành” lớn khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng, gần 465%. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng có chất lượng tài sản lành mạnh khi nợ xấu duy trì ở mức thấp, chỉ chiếm 0,67% tổng dư nợ.

Lợi nhuận của các ngân hàng này tăng tốt nhờ tín dụng tăng cao nhất nhiều năm qua (như Vietcombank có tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021) và nguồn thu ngoài lãi.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết thu nhập ngoài lãi của nhà băng này năm ngoái tăng hơn 9%. Các chỉ tiêu doanh số năm 2022 cũng tăng ấn tượng như doanh số mua bán ngoại tệ tăng hơn 20% lên hơn 70 tỷ USD, các chỉ tiêu doanh số thẻ, bảo hiểm, phát triển khách hàng bán buôn – bán lẻ tăng trưởng từ mức 37% đến 100%.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt song quy mô vốn điều lệ thấp cũng đang tạo áp lực lên nhóm ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là Agribank.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank cho biết nhà băng không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng, do rào cản về quy mô vốn điều lệ. Tăng trưởng tín dụng của nhà băng này trong năm 2022 cũng ở mức thấp so với mặt bằng của toàn hệ thống.

Do đó, ông Ấn kiến nghị Chính phủ tạm ứng cấp vốn điều lệ 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023. Việc này là rất cấp thiết để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho việc tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023.

So với Agribank, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước còn lại “dễ thở” hơn trong bài toán tăng vốn nhưng quy mô cũng đang rất khiêm tốn. Do vậy, lãnh đạo BIDV và Vietcombank đều chung mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế để tăng nguồn lực tài chính. Hệ số an toàn vốn của ba ngân hàng còn lại trong Big 4 cũng chỉ cao hơn mức tối thiểu không đáng kể.

Quỳnh Trang

Bài viết mới