Trong năm 2022, mặt bằng giá bán bất động sản du lịch ở thị trường sơ cấp tăng trung bình 12-15% so với năm 2021, do các dự án mới có mức giá chào bán cao.
Mặt bằng giá bán bất động sản du lịch ở thị trường sơ cấp tăng trung bình 12-15%
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, quý 4.2022 có 18 dự án chào bán, đưa ra thị trường 2.561 sản phẩm, tập trung chủ yếu ở miền Nam.
Nguồn cung chủ yếu là hàng tồn kho từ quý trước trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều thách thức, hoạt động mở bán và đưa vào khai thác của một số dự án bị chậm tiến độ so dự kiến. Tỷ lệ hấp thụ khoảng 28%.
Ngoài ra, quý 4, lượng giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ du lịch tại một dự án ở Bà Rịa – Vũng Tàu, chiếm 50% tổng lượng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ba tháng cuối năm, mặt bằng giá ở thị trường sơ cấp không tăng. Chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường.
Theo VARS thống kê, cả nước năm 2022 đón nhận hơn 19.124 sản phẩm bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng mới. Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.
Trong đó, các sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng được đầu tư bởi chủ đầu tư uy tín, có quy hoạch tổng thể tốt và ở vị trí, khu vực tiềm năng tăng trưởng du lịch nên rất thu hút nhà đầu tư.
“Đây là phân khúc tâm điểm của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng năm 2022 với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh, chiếm lần lượt 44% và 65% tổng nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ cả nước”, VARS cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo của VARS nhận định, lượng giao dịch sản phẩm căn hộ du lịch chưa tốt như kỳ vọng vì còn điểm nghẽn về pháp lý trong bối cảnh ngành du lịch chưa hồi phục.
Mức giá bán sơ cấp dao động từ 17-167 triệu đồng/m2. Khu vực miền Nam ghi nhận nền giá cao nhất với mức từ 35-167 triệu đồng/m2.
Tính chung cả năm 2022, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp tăng trung bình 12-15% so với năm 2021.
Đưa ra dự báo về triển vọng thị trường, đơn vị này cho rằng, thời gian tới, nguồn cung bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng sẽ giảm.
Các chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục phát triển dự án cùng với quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam, thông qua việc tăng cường tần suất hoạt động các chuyến bay trong nước và quốc tế; sẽ có sự trở lại của lượng khách từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Bắc Á.
Bên cạnh đó, bất động sản hàng hiệu phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, được vận hành và bảo chứng chất lượng của các thương hiệu danh tiếng, dự báo tăng cả lượng cung, cầu với số lượng thương hiệu nổi tiếng gia nhập thị trường trong tương lai lớn nhất, cùng sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu, sự quan tâm của khách hàng quốc tế; sản phẩm nghỉ dưỡng có tác động tích cực cho sức khỏe, tinh thần cá nhân vẫn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, định hình xu thế tương lai.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm vừa qua, nhưng thực tế thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi nhiều yếu tố như chính sách đầu tư hấp dẫn, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội và mở ra tiềm năng phát triển nhiều loại hình dự án bất động sản.
Trong đó, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong khu vực, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong.
Nghiên cứu mới đây của Savills nhận xét, Việt Nam là quốc gia còn nhiều dư địa để phát triển hoạt động du lịch, các tập đoàn quản lý khách sạn khu vực và quốc tế ngày càng chú trọng tăng cường sự hiện diện và mở rộng danh mục thương hiệu tại Việt Nam. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, các nhà điều hành quốc tế và khu vực cũng đang dành nhiều sự quan tâm đến các điểm đến đang phát triển như Hồ Tràm, Quy Nhơn và Phú Yên.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 132 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu các tập đoàn điều hành đang hoạt động. Trong vòng ba năm tới, thị trường dự kiến ghi nhận thêm khoảng 80 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc chuỗi nhà điều hành đi vào vận hành.