TIN MỚI
Làn sóng sa thải đang lan dần tới các định chế tài chính hàng đầu thế giới với những con số khiến nhiều người cảm thấy đáng lo ngại, đặc biệt là những người quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng.
Những ngày cuối năm âm lịch, thưởng Tết lại trở thành chủ đề hot tại Việt Nam. Một trong những mối quan tâm được chia sẻ thưởng tết của các ngân hàng, vốn thường được coi là cao hơn, thậm chí là đáng mơ ước với nhiều người. Tuy nhiên, thưởng tết không chỉ là niềm vui mà đôi khi cũng là những nỗi buồn, nhất là khi đó không phải khoản thưởng cào bằng.
Tuy nhiên, nếu bạn làm trong lĩnh vực ngân hàng và vẫn có thưởng Tết cho năm làm việc vừa qua, đó nên được coi là niềm vui. Trên thế giới, có một làn sóng sa thải đang lan rộng trong lĩnh vực ngân hàng, với những tên tuổi lớn đều đang góp mặt. Goldman Sachs giờ đây là ví dụ điển hình nhất.
Trong tuần này, Goldman Sachs đã khởi động đợt sa thải nhân viên khốc liệt nhất trong ít nhất 1 thập kỷ qua. Hàng trăm nhân viên bị sa thải tràn lên mạng xã hội để than thở về tình trạng của họ và bắt đầu tìm kiếm công việc mới.
Đợt sa thải của ngân hàng Goldman Sachs bắt đầu từ hôm 10/1. Hơn 3.200 nhân viên Goldman Sachs, tương đương 6,5% tổng lực lượng lao động, có thể sẽ phải nói lời tạm biệt với công ty.
Theo LinkedIn và những nguồn thạo tin về đợt sa thải, nhân viên trong các chi nhánh từ New York đến Dallas, từ Salt Lake đến Chicago, đều bị cắt giảm mạnh. Hoạt động sa thải đã ảnh hưởng đến nguồn nhân lực công nghệ, cũng như các bộ của ngân hàng.
Việc cắt giảm diễn ra khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Phố Wall, bao gồm đảm bảo phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cũng như tư vấn về các vụ sáp nhập, mua lại, đang giảm. Điều này khiến do doanh thu toàn ngành giảm mạnh. Ngân hàng Goldman Sachs còn gặp thêm vấn đề là mất cả tỷ USD trong thử nghiệm dịch vụ ngân hàng tiêu dùng non trẻ của họ.
Những nhân viên làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs cho biết hàng trăm nhân viên trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã bị sa thải. Các nhóm khác như tiếp thị và tiền gửi cũng bị cắt giảm. Một cộng tác viên trong mảng cho vay tiêu dùng cho biết: “Nhóm của tôi có 25 người thì 10 người bị cho thôi việc”.
Người này cũng cho biết: “Chúng tôi nghe nói rằng hôm nay là ngày cuối cùng và bắt đầu nhận được thông tin. Cứ 10 phút một lần, tôi lại nghe thấy một ai đó sẽ bị cho nghỉ việc”.
Nhân viên đi vào trụ sở Goldman Sachs tại New York. Ảnh: Getty Images
Một người phụ nữ rời trụ sở của ngân hàng Goldman tại 200 West Street, thành phố New York trong tâm trạng thất vọng. Cô cho biết bản thân cũng vừa bị cho thôi việc và không ngạc nhiên khi nhận thông tin đó. Nhưng cô ấy đã rất tức giận với việc không nhận được tiền thưởng mặc dù đã làm việc chăm chỉ cả năm.
Ngân hàng Goldman Sachs đã từng tăng cường nhân sự trong thời kỳ đại dịch để đáp ứng sự bùng nổ của M&A, IPO và SPAC. Song, đợt sa thải này là đợt thứ hai ngân hàng cắt giảm nhân sự.
Đợt đầu tiên, ngân hàng chỉ nhắm vào những người làm việc kém hiệu quả dựa theo quy trình đánh giá hàng năm của Goldman. Một người thạo tin cho biết, đợt cắt giảm mới nhất nhằm vào một số người làm việc kém, nhưng cũng nhằm giảm chi phí cồng kềnh của công ty theo kế hoạch tái cấu trúc do CEO David Solomon đưa ra trong quý 3.
Một phó chủ tịch của Goldman cũng bị sa thải vào hôm 11/1. Cô cho biết rằng cô cảm thấy sốc khi có tên trong danh sách nhân viên bị sa thải, vì cô có kết quả đánh giá năm rất tốt.
Vị phó chủ tịch bị sa thải cho biết rằng kể từ khi thông tin về việc sa thải được thông báo, tinh thần của cô sa sút. Cô cho rằng ngân hàng lẽ ra nên thực hiện việc này một cách nhẹ nhàng hơn, và đặc biệt là không phải sa thải ngay trước ngày nhận thưởng một tuần.
Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều ông lớn trên thế giới cũng đang mạnh tay cắt giảm nhân sự. Gần đây nhất chính là quyết định sa thải 18.000 nhân viên của Amazon. Động thái này theo sau quyết định cắt giảm nhân sự gây rúng động dư luận của các ông lớn công nghệ như Twitter, Meta vào cuối năm 2022.
Salesforce và Vimeo cũng đã tuyên bố sa thải hàng nghìn nhân viên trong bối cảnh kinh tế tiếp tục suy thoái và doanh số bán hàng đình trệ. Đầu năm, CEO Salesforce Marc Benioff thông báo công ty có kế hoạch sa thải 10% lực lượng lao động, tương đương 7.000 nhân viên. Cũng trong thời gian này, CEO Vimeo Anjali Sud ra thông báo cho thôi việc 11% nhân viên.
Có thể nói, làn sóng sa thải này sẽ là một tin đáng buồn cho nhiều người lao động trên thế giới. Và nếu Tết này bạn vẫn còn được nhận thưởng, chẳng phải bạn vẫn nên cảm thấy may mắn vì điều đó?
Tổng hợp
Trung Quốc ra mắt turbine gió lớn nhất thế giới, diện tích sải cánh quét qua rộng hơn 9 sân bóng đá
Thiên Di
Nhịp Sống Thị Trường