Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, đến hết ngày 31/12/2022, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tổng tài sản của BIDV đến hết ngày 31/12/2022 đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021; là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,9%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo: ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/ TT-NHNN.
Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại BIDV; nộp Ngân sách Nhà nước hơn 6.600 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cổ đông và thu nhập cho người lao động.
Giá trị cổ phiếu BIDV tăng gần 4% so với đầu năm trong bối cảnh VN-Index sụt giảm gần 34%; vốn hóa của BIDV đạt hơn 8,1 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn thị trường.
Hoạt động của khối các công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2021 ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của khối trong năm 2022 đạt gần 1.600 tỷ đồng.