Ngân hàng hé lộ KQKD năm 2022: Big4 đồng loạt vượt kế hoạch, TPBank lãi tăng 30%

TIN MỚI

Thông tin từ BIDV cho biết, đến hết 31/12/2022, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.

Tổng tài sản ngân hàng đến cuối năm trước ước đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021; là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này, tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).

Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo, ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/ TT-NHNN.

Trước đó, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng) và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.

Với kết quả đạt được, Vietcombank tiếp tục đứng đầu ngành ngân hàng về lợi nhuận, bỏ xa các ”ông lớn” còn lại như Techcombank, BIDV, VietinBank và VPBank .

Kết thúc năm 2022, huy động vốn thị trường I của Vietcombank đạt ~1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.

Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ bao phủ nợ xấu đạt 190%.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức vào tháng 4/2022 của VietinBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu với kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15%, tức đạt trên 19.300 tỷ đồng.

Bên nhóm tư nhân, TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 36%, đạt 8.200 tỷ đồng. Như vậy, dù tăng trường khá tốt song ngân hàng này vẫn chưa đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2022.

Trước đó, lãnh đạo VIB dự báo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao là 10.500 tỷ, tương đương với 8.400 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng nhỏ lại có tín hiệu ”đuối sức” về cuối năm trong bối cảnh lãi suất đầu vào tăng mạnh vào quý 3 và quý 4/2022.

Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã thông qua việc giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ 1.090 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng, tương đương giảm gần 27%.

Trước đó, VietBank đã công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện gần 50% kế hoạch năm. Riêng quý 3/2022, lợi nhuận của VietBank là 148 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ.

Theo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2022 có sự ”cải thiện” tốt hơn với tỷ lệ % TCTD nhận định ”cải thiện” (70,9%) cao hơn so với quý trước (63,8%) và kỳ vọng (70,4%).

Lợi nhuận trước thuế được nhận định tiếp tục có tăng trưởng nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể ”cải thiện” so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

Các TCTD tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

Ngân hàng tuần qua: Nhà băng đầu tiên công bố lợi nhuận 2022, Vietcombank đẩy lãi suất kỳ hạn ngắn lên kịch trần

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

Bài viết mới