Đại lộ 1.200 tỉ đồng kết nối Sân bay Buôn Ma Thuột lại trễ hẹn, xin gia hạn đến cuối 2023

Dự án Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột kết nối sân bay đến trung tâm thành phố không thể về đích đúng hẹn trước 31/12/2022. UBND TP. đề xuất gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2023

Dự án Đại lộ Đông – Tây TP.Buôn Ma Thuột chưa thể về đích đúng hẹn (hình: Báo Đắk Lắk)

Khởi công năm 2015, dự án Tuyến đường Đại lộ Đông – Tây có tổng chiều dài cần thi công khoảng 6,9km. Xuất phát từ nút giao đường Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng (TP.Buôn Ma Thuột), điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 27 với đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đi qua các phường Tự An, Tân Thành, Tân Lập và xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột).

Dự án dự kiến về đích năm 2018 nhưng gặp nhiều vướng mắc về tiến độ nên đã không thể hoàn thành đúng hẹn. Năm 2021, tỉnh Đăk Lăk điều chỉnh tổng đầu tư dự án từ 1.000 tỉ đồng lên gần 1.240 tỉ đồng và gia hạn thời gian thực hiện đến cuối năm 2022.

Ghi nhận của báo Đắk Lắk ngày 31/12/2022, một số vị trí, hạng mục của Dự án thi công dở dang, các vị trí đầu, cuối tuyến và hạng mục cầu phương tiện chưa thể lưu thông.

Đến nay, dự án chỉ mới đạt khoảng 76% giá trị của hợp đồng, chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ bao gồm: thiếu nguyên vật liệu thi công, ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh Covid-19,…

Do đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk xem xét tham mưu UBND tỉnh cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2023. Trong đó, cho phép gia hạn thời gian thực hiện gói thầu xây lắp: đường, cầu và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc Dự án Đường Đông Tây đến hết ngày 30/4/2023.

Khi hoàn thành, Đại lộ Đông – Tây được kỳ vọng sẽ tạo điểm bứt phá cho thành phố khi rút ngắn khoảng cách từ sân bay đến trung tâm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển địa phương.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã có đề xuất nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế, phục vụ lưu lượng khách lên tới 5 triệu lượt/năm đến năm 2023. Sân bay này hiện đang phục vụ khoảng 1,4 triệu lượt khách/năm đối với các đường bay đi và đến bảy tỉnh, thành gồm TP.HCM, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Cần Th, chưa khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.

Hạ tầng giao thông phát triển sẽ tạo động lực để giá bất động sản địa phương tăng cao, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội.

Bài viết mới