Trước đây giới showbiz Việt gia nhập ngành địa ốc như nghề tay trái, mua bán đơn lẻ, âm thầm còn nay họ đầu tư quy mô, rầm rộ hơn.
Hiện một số ca sĩ, diễn viên đổ bộ vào thị trường bất động sản với tư cách chủ doanh nghiệp địa ốc phủ sóng mảng phân phối (môi giới bán hàng) hoặc phát triển dự án nghỉ dưỡng, bất động sản nông nghiệp với sản phẩm đa dạng, quỹ đất lớn.
Ngày 24/5, ca sĩ Khắc Việt đã có thông báo về Khắc Việt Land – công ty bất động sản do anh sáng lập – trên trang Facebook cá nhân. Anh cho biết, đây là công ty đầu tư, phát triển và phân phối bất động sản ký kết trực tiếp từ chủ đầu tư. Doanh nghiệp sẽ không làm nhà môi giới thứ cấp, cũng không nhận mua bán ký gửi sản phẩm không phải do công ty phân phối. Các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Sapa, Lào Cai, Vinh… là những địa bàn doanh nghiệp nhắm đến trong thời gian tới.
Chia sẻ với VnExpress, ca sĩ Khắc Việt cho biết bắt đầu đầu tư bất động sản cách đây 4 năm theo hình thức cá nhân nhỏ lẻ, mua bán nhà tại TP HCM để kiếm lợi nhuận. Đến nay, anh quyết định dấn thân vào thị trường bất động sản một cách chuyên nghiệp. Ca sĩ giải thích bản thân cũng muốn làm một điều khác biệt để phá bỏ những ước lệ, thông điệp cũ về người nghệ sĩ – hoặc làm nghệ sĩ trọn đời, hoặc chỉ kinh doanh trong vùng an toàn như mở quán cà phê, nhà hàng… “Tôi cũng chấp nhận rủi ro khi bước chân vào lĩnh vực này”, anh nói.
Khó khăn lớn đầu tiên khi bắt tay vào kinh doanh bất động sản, theo ca sĩ này, là bài toán nguồn cung. Do vậy, anh đã có một thời gian dài tìm kiếm, đàm phán và ký kết với một số tập đoàn lớn để đảm bảo nguồn hàng. Đến nay, Khắc Việt đã có nhiều ký kết đảm bảo nguồn cung đến năm 2025.
Khó khăn thứ hai, theo Khắc Việt, đó là nghệ sĩ bước vào kinh doanh phải gạt bỏ các quyết định cảm tính, cần sự hỗ trợ, giúp sức từ những người mạnh về chuyên môn, có hiểu biết lâu năm trong nghề cùng bắt tay cộng tác.
Công ty của ca sĩ này dự kiến có hai trụ sở chính ở Hà Nội và TP HCM, sẽ phân phối các dự án trung và cao cấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có những sản phẩm phù hợp với những người mới đầu tư và có số vốn ít, từ 600 triệu đồng đến một tỷ đồng. Còn trong dài hạn, doanh nghiệp hướng đến đầu tư phát triển những dự án của mình ở quy mô nhỏ và vừa.
Cũng vừa gia nhập thị trường địa ốc, ngày 15/5, ca sĩ Ngọc Sơn tổ chức lễ ra mắt tập đoàn kinh doanh bất động sản nông nghiệp và du lịch mang tên mình tại Bình Thuận do anh đảm nhận vị trí chủ tịch. Tập đoàn đang sở hữu hơn 50 hecta đất tại Bình Thuận. Theo thông tin từ ca sĩ này, tập đoàn kinh doanh nhờ vốn tự có, không có bất kỳ sự vay mượn nào từ bên ngoài. Trước mắt, công ty anh tập trung khai phá nhiều vùng đất hoang, trồng cây hoa màu.
Trước đó, diễn viên Chi Bảo (tên đầy đủ Phạm Gia Chi Bảo) gây xôn xao thị trường địa ốc khi lộ diện là lãnh đạo và góp vốn vào chuỗi công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng: Công ty TNHH Chi Bảo, Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm và Công ty cổ phần Du lịch Hiểu về trái tim.
Chi Bảo cũng được ghi nhận góp vốn vào Công ty cổ phần Du lịch nghỉ dưỡng Côn Đảo. Quý IV/2020, công ty này được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hiểu Về Trái Tim tại Bãi Ông Đụng – Sở Rẫy, huyện Côn Đảo quy mô 118 ha. Ngoài ra, diễn viên này còn đứng tên ở các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Du lịch nghĩ dưỡng Thiền Chư Yang Sin, Công ty cổ phần Du lịch nghỉ dưỡng Hồ Lăk.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhận xét việc có nhiều nghệ sĩ tham gia vào mảng bất động sản cho thấy tính hấp dẫn của thị trường. “Thị trường này vốn đòi hỏi người tham gia phải có tài chính, năng lực. Giới nghệ sĩ có nguồn thu nhập, họ muốn tái đầu tư để hiện thực hóa tài sản”, ông Đính nhận định.
Theo ông Đính, việc giới nghệ sĩ tận dụng hình ảnh, thương hiệu, sức ảnh hưởng của bản thân để tiếp thị, đầu tư bất động sản cũng là bình thường. “Quan trọng là có đúng luật hay không, nếu đúng luật thì đây là điều tốt, nó tạo ra sự sôi động của thị trường, nhiều thành phần tham gia”, ông Đính nói. Ngược lại, nếu giới nghệ sỹ làm sai luật, họ vừa tạo ra hệ luỵ cho thị trường, vừa làm xấu mặt chung cho giới này.
Thạc sĩ Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia, xác nhận giới nghệ sĩ đầu tư bất động sản đã có những đợt sóng nhỏ lẻ từ nhiều năm trước nhưng đến 2022 mới lộ diện quy mô hoành tráng hơn ở cấp độ công ty, tập đoàn, quỹ đất cũng lớn hơn trước.
Tuỳ theo dòng sản phẩm mà các nghệ sĩ có những phân khúc khách hàng riêng. Họ cũng có nhiều thuận lợi khi quảng bá sản phẩm do có lượng fan (người hâm mộ) đông đảo, có khả năng dẫn dắt và tạo xu hướng cho thị trường. Nếu giới nghệ sĩ kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp dưới hình thức lập công ty, pháp nhân kinh doanh địa ốc đang là xu hướng được nghệ sỹ các quốc gia khác đã và đang thành công rất nhiều.
Tuy nhiên đi kèm với những mặt thuận lợi về nhận diện thương hiệu, theo ông Hà, giới nghệ sĩ cũng có thể đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, đáng lưu ý nhất là rủi ro pháp lý. Vì luật pháp về đất đai và thị trường bất động sản tại Việt Nam rất nhiều và rộng. Không cẩn thận, họ rất dễ vướng mắc những vấn đề pháp lý, dẫn đến phát sinh kiện tụng không cần thiết.
Một rủi ro khác chính là về nhãn hiệu (uy tín cá nhân), nếu nghệ sĩ kinh doanh thành công có thể tạo thêm những hiệu ứng tích cực, tăng độ nổi tiếng của bản thân. Còn nếu việc kinh doanh của họ chẳng may gặp bất lợi sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi của người nghệ sĩ.
Cũng theo ông Hà, giữa làn sóng nghệ sĩ rẽ sang kinh doanh bất động sản, cần minh định ai đang là người chỉ tạt ngang để quảng bá sản phẩm, ai là người có tiềm lực và có kiến thức, có chiến lược cụ thể để đầu tư phát triển lâu dài.
Trong trường hợp các nghệ sĩ tham gia kinh doanh bất động sản đã chuẩn bị kiến thức, có hiểu biết và tiềm lực tài chính tốt, phát triển được những dự án bất động sản, mang đến những giá trị cho người sở hữu, cả ở góc độ đầu tư lẫn góc độ người dùng cuối (mua để ở, hoặc kinh doanh…) thì sẽ là diễn biến tích cực.
Ngược lại, nếu họ chỉ đầu tư kinh doanh theo phong trào, đổ xô kinh doanh sau những cơn sốt đất, đến khi thị trường có sự điều tiết từ cấp độ quản lý nhà nước như hạ nhiệt các cơn sốt đất, siết tín dụng, tăng lãi suất, có thể dẫn đến rủi ro tạo ra làn sóng chạy đua hớt bọt thị trường, không có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Đức Minh – Vũ Lê