M&A bất động sản sôi động trở lại

Quý I, hoạt động mua bán sáp nhập diễn ra dồn dập trên thị trường địa ốc với nhiều thương vụ thâu tóm dự án quy mô lớn.

Ba tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến loạt thương vụ đa dạng nhiều nhóm tài sản. Tại TP HCM có “cú bắt tay” giữa Novaland và Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất TM Tài Nguyên để khởi động lại dự án khu phức hợp Grand Sentosa (tên cũ Kenton Node), diện tích 11 ha ở khu vực Nhà Bè.

Ở nhóm bất động sản thương mại, khu vực trung tâm quận 1, có thương vụ tòa nhà Saigon One Tower đã được đổi tên thành IFC One Tower do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển VivaLand quản lý.

Trong khi đó, ở khu vực Đồng Nai, dự án Swan Bay với diện tích khoảng 200 ha sẽ được tiếp tục phát triển bởi Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long.

Tại Hà Nội có thương vụ đình đám là chuyển nhượng tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) từ CapitaLand Development sang Viva Land với tổng trị giá 550 triệu USD.





Một khu phức hợp tỷ USD đình trệ 13 năm tại huyện Nhà Bè, khu Nam TP HCM, vừa đổi chủ trong quý I. Ảnh: Quỳnh Trần

Một khu phức hợp tỷ USD đình trệ 13 năm tại huyện Nhà Bè, khu Nam TP HCM, vừa đổi chủ trong quý I. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, tổng giá trị các giao dịch M&A trong quý I/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng ghi nhận được giai đoạn 2019-2021. Trong nhóm các thương vụ mua bán sáp nhập tài sản diễn ra 3 tháng qua, giao dịch M&A văn phòng vươn lên vị trí dẫn đầu với giá trị lớn nhất, chiếm gần 60% tổng giá trị giao dịch tài sản.

Theo bà Trang, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện có sự quan tâm đáng kể đến việc phát triển các dự án bất động sản từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản thương mại và bất động sản ứng dụng. Thị trường cũng sẽ chứng kiến câu chuyện phục hồi mạnh mẽ ở các mảng du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ, vốn đã bị kìm hãm trong thời gian qua nhờ mở cửa các đường bay quốc tế trở lại. Thị trường bất động sản nhà ở cũng được kỳ vọng sẽ tích cực nhờ vào gói đầu tư hạ tầng 114 nghìn tỷ USD đã được Quốc hội thông qua.

Do thị trường thống trị bởi nhà đầu tư nội địa, nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn tham gia các thương vụ mua bán sáp nhập bằng hình thức liên doanh với các đối tác trong nước. “Dòng tiền đầu tư của khối ngoại rất lớn nhưng rào cản hiện nay là việc khan hiếm quỹ đất phù hợp trong các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội để phát triển dự án”, bà Trang cho hay.

CEO Cushman & Wakefield đánh giá, trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô dần cải thiện và các chuyến bay quốc tế đã được mở lại, thị trường M&A bất động sản trong năm 2022 hứa hẹn sẽ tăng nhiệt khi sự tái xuất của khối ngoại. Tuy nhiên, đặc điểm chung hiện nay là các bên tham gia thị trường từ nhà phát triển dự án, nhà đầu tư, ngân hàng và các cơ quan quản lý của nhà nước đều thận trọng hơn.

Vũ Lê

Bài viết mới