Các anh cứ mời lãnh đạo thành phố, chúng tôi “bắt buộc” phải đến.
Đó là câu kết của Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh tại buổi cà phê doanh nhân có chủ đề Chính quyền và doanh nghiệp, sáng 9/9 vừa qua.
Tham dự hoạt động này có khoảng hơn 100 doanh nhân từ 11 hiệp hội doanh nghiệp của thành phố Sông Hàn.
Tại đây, lãnh đạo các sở Kế hoạch và đầu tư, Công Thương, Khoa học và công nghệ… đã trao đổi nhiều vấn đề các doanh nhân trên địa bàn quan tâm.
Thông điệp được nhấn mạnh là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đang có không ít chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng, có chương trình tiền thì có song lại không có doanh nghiệp để thụ hưởng.
Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Thái Bá Cảnh “than thở” là ông được giao làm Giám đốc quỹ phát triển khoa học và công nghệ, có trong tay 20 tỷ đồng nhưng chỉ tiêu được có 150 triệu thôi.
Chúng tôi đi khảo sát tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp thì trong số 600 đơn vị chỉ phát hiện chưa đến 10 doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Có doanh nghiệp không trả lời cũng không tiếp nên không hiểu là nhu cầu thế nào – ông Cảnh cho biết.
Nhà nước có nhiều chính sách để chuyển giao công nghệ. Nhiều chính sách hay lắm, các anh chị chịu khó nghiên cứu đi, vừa được hỗ trợ – vị giám đốc tranh thủ kêu gọi doanh nhân.
Những ý kiến của doanh nhân phát biểu sau đó cho thấy họ không chỉ quan tâm đến những gì cụ thể mà họ có thể được hỗ trợ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố – Tổng giám đốc Furama, ông Huỳnh Tấn Vinh sốt ruột: chúng ta cứ “tự sướng” là bãi biển đẹp nhất hành tinh nhưng làm sao đẹp nhất được khi hàng ngày nước thải cứ đổ ra biển.
Ông Vinh nói doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để cùng nhà nước xử lý vấn đề này, nhưng “không tin lắm” nếu giao toàn bộ tiền cho nhà nước. Vì thế cần thành lập gấp một hội đồng có đại diện doanh nghiệp để “cứu ngay chúng ta”. Nếu cứ để hình ảnh ô nhiễm thế này thì ngay chúng ta không dám tắm nói gì đến khách quốc tế, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho hình ảnh Đà Nẵng – ông Vinh nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Furama cũng phản ánh rằng, hiện nay doanh nghiệp cực kỳ “than” chuyện công văn giấy tờ “đá qua đá lại” với lời giải thích “tình hình phức tạp lắm không dám đưa dám trình”. Vì thế trong khi thuế vẫn phải nộp lương vẫn phải trả còn công việc thì đình trệ.
Liên quan đến việc tiêu tiền hỗ trợ doanh nghiệp rất khó, theo Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng – Giám đốc Công ty TNHH – Thương mại BQ, doanh nhân Phan Hải thì cần xem lại có phải do doanh nghiệp quá nhỏ không đủ điều kiện tiếp cận, hay các doanh nghiệp đã được hỗ trợ không đủ sức lan toả.
Khẳng định các hiệp hội đều có thể nhận diện được các doanh nghiệp cần hỗ trợ, ông Hải cho biết sẽ không ngồi chờ mà sẵn sàng mời các đoàn liên ngành đến gặp gỡ để kết nối chính sách với doanh nghiệp.
Bày tỏ cảm giác giờ cứ đi qua sông Hàn là thấy căng thẳng, bức bối vì quá nhiều cao ốc mọc lên, ông Hải đề nghị thành phố cần công bố công khai minh bạch quy hoạch phù hợp với điều kiện về hạ tầng, ít nhất là dân cũng biết trong 3- 6 tháng tới khu vực nào cao ốc sẽ phát triển.
Hồi âm ý kiến này, Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh nói: “anh Hải nói là rất đúng thành phố phải có tầm nhìn về sự phát triển. Hiện nay thành phố đã triển khai quy hoạch xây dựng chung tổng thể về phát triển đến 2020, bắt đầu triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Đà Nẵng đến 2035 và tầm nhìn đến 2025 đồng thời xây dựng quy hoạch chung cũng trong thời gian như vậy” .
Ông Minh cũng cho biết thêm là thành phố đã mời những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và cả chuyên gia nước ngoài tham gia làm quy hoạch này.
Với môi trường biển, vấn đề được doanh nhân Huỳnh Tấn Vinh đề cập, ông Minh khẳng định nhiều nhiệm kỳ các lãnh đạo thành phố đều rất trăn trở về hệ thống nước thải và nước sinh hoạt dọc tuyến đường Trường sa, Hoàng sa, Võ Nguyên Giáp. Hiện chưa tách được nước thải sinh hoạt và nước mưa nên cứ có một trận mưa là hai thứ trộn vào nhau và tràn ra ngoài – ông Minh giải thích.
Vị lãnh đạo trẻ của thành phố cũng cho hay thành phố đang tập trung xây dựng một số dự án để xử lý ô nhiễm môi trường biển, tách nước thải và nước mưa để xử lý triệt để vấn đề này.
Hoan nghênh ý kiến các doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm như ông Vinh đã phát biểu, Phó chủ tịch cho biết Chủ tịch đã nói cần thiết bỏ ngân sách ra để xử lý dứt điểm chứ không chờ vốn nước ngoài.Bởi đây là vấn đề ảnh hưởng đến du lịch – một ngành được coi là mũi nhọn của thành phố.
Cuối cùng, với chủ đề quan hệ doanh nghiệp và chính quyền, ông Minh nói Đà Nẵng nhiều năm liền đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), so với các tỉnh thành trong cả nước thì cũng có thể tự hào cải cách hành chính là tốt nhất nhưng so với yêu cầu của doanh nghiệp thì còn phải nỗ lực vươn lên rất nhiều.
Cho biết thành phố đang nỗ lực cải cách hành chính, Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh thông tin rằng, lãnh đạo thành phố bao giờ rời khỏi phòng làm việc mà còn để lại văn bản chờ xử lý trên bàn, trừ khi đi họp. Mà có đi họp thì cũng mang theo, nhận được buổi sáng thì đầu giờ chiều phát hành, còn nhận chiều thì đầu giờ sáng hôm sau phát hành. Tất nhiên cũng có những cái giữa các bộ phận tham mưu bên dưới có trục trặc – ông Minh nói.
Thời gian cà phê với doanh nhân có hạn, Phó chủ tịch đề nghị doanh nhân còn kiến nghị gì thì hãy gửi văn bản, sẽ được giải đáp đầy đủ.
Nếu doanh nghiệp chủ động tổ chức đối thoại thì các anh cứ mời, lãnh đạo uỷ ban thành phố chúng tôi bắt buộc phải đến – ông Minh nói.