Dự án nâng cấp Lọc dầu Cát Lái “ngủ” 11 năm

Dự án đầu tư công nghệ nâng chỉ số octane phân đoạn naphta – Nhà máy Lọc dầu Cát Lái có 3 nhà đầu tư gồm Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty CP Âu Lạc và Petro Summit Pte Ltd (Singapore) với tổng vốn đầu tư khoảng 52,31 triệu USD.

Làm rõ nguyên nhân chậm trễ

Theo báo cáo thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) mới đây, Thủ tướng đã đồng ý Saigon Petro triển khai dự án từ năm 2007. Kể từ đó đến nay đã 11 năm, doanh nghiệp (DN) này vẫn chưa triển khai thực hiện dự án. Tuy vậy, vào cuối năm 2017, Bộ KH-ĐT lại nhận được công văn của UBND TP HCM xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Do đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thủ tướng giao TP HCM rà soát quá trình thực hiện dự án từ khi có quyết định đồng ý của Thủ tướng; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về việc dự án sau 11 năm chưa thực hiện và xử lý các vấn đề tồn tại (nếu có) theo thẩm quyền.

Liên quan đến khả năng góp vốn của các nhà đầu tư, Bộ KH-ĐT ghi nhận Saigon Petro có đủ khả năng về vốn song vẫn đề nghị làm rõ thêm về khả năng tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt là Công ty CP Âu Lạc. Bởi lẽ, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này đã nằm hết trong tài sản dài hạn, không còn nguồn để góp 84,9 tỉ đồng tham gia đầu tư dự án.

Bộ cũng nêu rõ trong hồ sơ dự án, các nhà đầu tư dẫn số liệu để khẳng định nhu cầu xăng dầu và khí hóa lỏng trong nước thời gian tới còn cần rất lớn, kể cả sau khi đã bổ sung nguồn cung từ dự án của Nhà máy Lọc dầu Cát Lái. Nhưng hồ sơ dự án không có số liệu chi tiết về các yếu tố đầu vào, đầu ra, phân tích các trường hợp rủi ro. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư của dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như công nghệ sản xuất, năng lực quản trị DN, giá cả thị trường, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, bộ yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm về các số liệu tính toán này.

Cẩn trọng công nghệ Trung Quốc

Cũng góp ý cho dự án này, Bộ Công an đề nghị chủ đầu tư xem lại phần công nghệ nhà máy có xuất xứ Trung Quốc; các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý việc dự án dự kiến sử dụng công nghệ NUT (Naptha Upgrading Technology) của Viện Nghiên cứu chế biến dầu khí Trung Quốc (RIPP) để nâng chỉ số octane phân đoạn naptha. Dự án cần sử dụng máy móc, thiết bị xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu tiên tiến trên thế giới, bảo đảm sự đồng bộ của dây chuyền công nghệ, có phương án dự trù cụ thể về vật tư tiêu hao, linh kiện, phụ tùng thay thế dự phòng để bảo đảm hoạt động ổn định của nhà máy sau nâng cấp. Nếu có nội dung chuyển giao công nghệ thì cần thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết bộ đã lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ đầu tư trình. Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc kiểm soát thông số đầu vào, thành phần các loại chất thải khí, bụi; làm rõ việc thoát nước, ngập úng cục bộ cũng như tác động của vận chuyển nguyên liệu đến môi trường và các nguy cơ xảy ra sự cố. Đồng thời, cũng lưu ý việc lựa chọn công nghệ Trung Quốc liệu có bảo đảm các yếu tố về môi trường. Nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc thì cần có thuyết minh thuyết phục.

Đề nghị không cấp phép đầu tư BOT nhiệt điện Vũng Áng II

Bộ KH-ĐT cũng vừa nêu ý kiến không xem xét đề xuất cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II (Hà Tĩnh) bởi Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 19-6, không quy định cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, diện tích đất sử dụng của dự án theo đề nghị của nhà đầu tư (94,6 ha) chưa phù hợp với diện tích đã được quy định tại Quyết định số 0538 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (86 ha). Chưa kể đến, dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo tác động môi trường ngày 13-2-2015 nhưng đến nay, đã quá 24 tháng, chủ đầu tư vẫn chưa lập lại báo cáo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Đặc biệt, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn các ngân hàng cam kết cho Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II chưa đủ để thực hiện dự án.

Bộ KH-ĐT không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư BOT Nhiệt điện Vũng Áng II

Bài viết mới