Vụ ông Phạm Công Danh: Cơ quan điều tra “giải mã” khoản tiền 4.500 tỷ đồng

Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm yêu cầu: tại phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh và những người bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét về số tiền 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ được bị cáo Danh chuyển về cho ngân hàng VNCB vì số tiền này có nguồn gốc từ khoản vay ngân hàng BIDV và TPBank được VNCB bảo lãnh. Số tiền 4.500 tỷ đồng này được bị cáo Danh chuyển về cho VNCB để nâng vốn điều lệ nhưng chưa được nâng vốn điều lệ vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đồng ý.

HĐXX xét thấy, số tiền 4.500 tỷ đồng đã được bị cáo Danh chuyển về cho VNCB và được sử dụng cho ngân hàng VNCB. Theo tài liệu do NHNN cung cấp cho HĐXX cũng ghi nhận việc phải hạch toán, bút toán trở lại số tiền này theo đúng quy định. Như vậy, Phạm Công Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái (như cáo trạng truy tố) gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỷ đồng, bằng số tiền này ông Danh đã chuyển trở lại VNCB 4.500 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ và VNCB đã sử dụng số tiền này. Vậy cần xác định trong trường hợp cụ thể này ngân hàng VNCB bị thiệt hại 6.126 tỷ đồng hay thiệt hại bao nhiêu cần được làm rõ, căn cứ xác định thiệt hại này cần phải được xem xét, đảm bảo phù hợp với đánh giá của NHNN cũng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi đánh giá thiệt hại của VNCB tại thời điểm Phạm Công Danh và đồng phạm bị bắt (nếu có).

Kết quả điều tra bổ sung xác định được như sau:

Từ ngày 19/11/2013 đến ngày 23/12/2013, các Công ty Phong Hiệp, Công ty Quốc Thắng, Công ty Đại Long đã chuyển về tài khoản của VNCB tại Agribank CN Tân Phú tổng số tiền là 4.500 tỷ đồng (mỗi công ty chuyển 1.500 tỷ đồng).

Ngày 23/12/2013, ba công ty trên có công văn đề nghị VNCB hỗ trợ điều chỉnh người thụ hưởng số tiền 1.500 tỷ đồng do từng công ty chuyển đến tài khoản VNCB.

Cùng ngày, Agribank CN Tân Phú có giấy xác nhận số 656 về việc phong tỏa tài khoản của VNCB cho đến khi có yêu cầu giải tỏa. Ngày 31/12/2013, VNCB đã gửi văn bản về việc giải tỏa phong tỏa tài khoản của VNCB. Trong ngày, VNCB tiếp tục chuyển 4.500 tỷ đồng từ tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN về tài khoản của VNCB tại Liên Việt Postbank CN TP.HCM. Sau đó số tiền 4.500 tỷ đồng gửi tại Liên Việt Postbank chuyển về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN.

Đầu ngày 14/2/2014, lượng tiền mặt, tiền gửi tại NHNN và tại các tổ chức tín dụng khác của VNCB là hơn 13.915 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi của VNCB gửi tại 3 ngân hàng để bảo lãnh các khoản vay (Sacombank là 1.854 tỷ đồng, TPBank hơn 1.706 tỷ đồng, BIDV là 3.070 tỷ đồng và lãi nhập gốc của các khoản tiền gửi này) và số tiền 4.500 tỷ đồng chuyển về Liên Việt Postbank.

Cuối ngày 26/7/2014 (thời điểm Phạm Công Danh và đồng phạm bị bắt), số dư cuối lượng tiền mặt, tiền gửi tại NHNN và tại các tổ chức tín dụng khác của VNCB là hơn 6.301 tỷ đồng bao gồm tiền gửi của VNCB gửi tại Sacombank và TPBank. Số tiền 3.070 tỷ đồng của VNCB gửi tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay của 12 công ty đã được tất toán để trả cho BIDV với tổng số tiền hơn 2.550 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ ngày 14/2/2014 đến 26/7/2014, VNCB đã chi tổng cộng số tiền hơn 76.867 tỷ đồng và thu tổng cộng số tiền hơn 69.253 tỷ đồng. Chênh lệch giảm hơn 7.614 tỷ đồng. Tiền mặt, tiền gửi tại NHNN, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác bao gồm: tiền mặt chênh lệch giảm 19,28 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN chênh lệch giảm hơn 694 tỷ đồng; tiền gửi tại các TCTD khác chênh lệch giảm hơn 6.900 tỷ đồng (trong đó có 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ và 2.550 tỷ đồng tất toán các hợp đồng tiền gửi để trả nợ thay cho 12 công ty tại BIDV).

Như vậy, số tiền 4.500 tỷ đồng sau khi chuyển từ tài khoản của VNCB tại Liên Việt Postbank về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN và VNCB sử dụng như đã nêu, trong đó có giải ngân 2.500 tỷ đồng cho các công ty của Phạm Công Danh vay và chuyển 400 tỷ đồng cho Công ty Hương Việt thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh (đã giải quyết ở giai đoạn 1). Do vậy không xác định được chi tiết số tiền 4.500 tỷ đồng nêu trên VNCB dùng cho mục đích cụ thể nào.

Trước giai đoạn trên, ngày 26/12/2013, Phòng Kế toán tài chính căn cứ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 27 đã hạch toán tăng tài khoản vốn điều lệ thêm 4.500 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Ngày 4/6/2014, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 27 của VNCB và cấp giấy chứng nhận lần 28 điều chỉnh số vốn điều lệ của VNCB trở lại 3.000 tỷ đồng. Việc sở thu hồi giấy phép kinh doanh lần thứ 27 diễn ra trước thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng ban điều hành cũ không điều chỉnh hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nêu trên. Hiện nay khoản tiền 4.500 tỷ đồng chưa hạch toán điều chỉnh.

Ngày 5/3/2015, VNCB chuyển đổi thành Ngân hàng CB do nhà nước làm chủ sở hữu. Sau khi tiếp quản CB có báo cáo xin ý kiến NHNN hướng dẫn việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng đến nay NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể nên CB chưa xử lý điều chỉnh hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng.

Như vậy, kết quả điều tra cho thấy số tiền 4.500 tỷ đồng chưa hạch toán theo quy định để tăng vốn điều lệ cho VNCB, không xác định rõ số tiền này được sử dụng vào mục đích gì; số dư tại thời điểm ngày 26/7/2014 (ngày khởi tố vụ án) không còn số tiền 4.500 tỷ đồng và đến nay xác định số tiền này không còn trên tài khoản của VNCB cũng như ngân hàng CB.

Triệu tập ông Trần Bắc Hà trong vụ xử Phạm Công Danh

Bài viết mới