“Luật chơi” đang biến đổi liên tục, ông Ousmane Dione nói và nhấn mạnh rằng rủi ro là có thể xảy ra, dù vậy, cơ hội cũng luôn song hành. Điều quan trọng là Việt Nam nắm bắt như thế nào.
4 xu hướng mới của thế giới
Phân tích cụ thể, ở xu hướng thứ nhất, Giám đốc World Bank cho biết những hình thức thương mại mà Việt Nam có lợi thế đang giảm dần. Trong khi đó, những nước như Campuchia, Myanmar đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong việc thu hút dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, công nghệ phát triển cũng tạo ra xu hướng dòng vốn quay về chính quốc.
Vì vậy, Việt Nam có thể khai thác hình thái thương mại mới tạo sự thuận lợi. Đơn cử như sự tăng lên của tiêu dùng hộ gia đình từ mức 20% năm 2020 lên 60% năm 2030. Tại Hà Nội, các trung tâm thương mại đã nhanh chóng mọc lên cũng như thu hút rất đông gia đình mua sắm.
“Tầng lớp trung lưu đang tăng lên rất nhanh, họ có thời gian và tiền bạc nên xu thế này sẽ chỉ tăng trong thời gian tới”, ông Ousmane Dione nói.
Đối với xu hướng nền kinh tế tri thức, nhu cầu lao động chân tay, lao động giản đơn sẽ dần bị thay thế bởi lao động chuyên sâu, có hàm lượng tri thức cao. Hiện Việt Nam chưa đáp ứng được chất lượng lao động, tạo bước nhảy vọt vào nền kinh tế tri thức.
Dù vậy, đại diện World Bank cũng chỉ ra điều tích cực khi tiềm năng việc làm được mở ra nhiều hơn, tuy nhiên, để bắt kịp, Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong việc đào tạo lao động có kỹ năng phù hợp.
Xu hướng thứ ba về biến đổi khí hậu toàn cầu. Dẫn ra nhiều con số nghiêm trọng về hiện trạng xâm nhập mặn, hạn hán, thiên tai… ngày một tăng, ông Ousmane Dione gọi đó là những con số thức tỉnh Việt Nam cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Đó là mô hình trồng, nuôi chịu hạn, dịch chuyển khu vực sản xuất đến địa điểm ít bị đe doạ bởi thiên nhiên…
“Tôi không phóng đại khi nói Việt Nam sắp trải qua một giai đoạn già hoá dân số nhanh chóng nhất lịch sử loài người”, Giám đốc World Bank bắt đầu khi nói về xu hướng thứ tư – già hoá dân số.
Dân số già đi tác động tiêu cực đến năng suất lao động dài hạn, hệ thống trợ cấp cũng như an sinh xã hội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều dịch vụ chăm sóc, phục vụ người cao tuổi cũng sẽ xuất hiện, tạo cơ hội việc làm.
“Việt Nam đang lỡ nhịp hay hoà nhịp cùng những xu hướng lớn này?”, ông Ousmane Dione đặt câu hỏi và ví von xu hướng tương tự một cuộc diễu hành náo nhiệt.
Theo đó, Việt Nam sẽ đóng cửa, tránh xa đoàn diễu hành nhưng không thể thảnh thơi mà tránh đi những tiếng ồn ào hay mở thích thú mở cửa quan sát thụ động hay quyết định tham gia.
“Tôi tò mò về quan điểm của các bạn”, Giám đốc World Bank Việt Nam nói.
Trái tim, bộ óc, xương sống và bộ da của nền kinh tế
Nhưng dù quan điểm như thế nào thì những ảnh hưởng của các xu hướng với Việt Nam là không thể tránh. Sự cạnh tranh của nền kinh tế, khả năng chống chịu trước những bất ổn, rủi ro của đất nước phụ thuộc vào khả năng triển khai 4 loại vốn, theo ông Ousmane Dione.
Đầu tiên là vốn thể chế. Bản chất của vốn này là tạo ra sự thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển. Chính tư nhân sẽ là cơ sở tạo ra việc làm, nâng cao năng suất lao động. Bởi vậy, thể chế cần có sự cải cách để thúc đẩy khối tư nhân mạnh hơn, giảm đi vai trò của Nhà nước. Thể chế cũng được ông Dione ví von như trái tim trong phát triển bền vững quốc gia.
Thứ hai là vốn nhân lực – nhân tố thúc đẩy cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nguồn vốn này không tự nó hiện thực hoá được mà phải được nuôi dưỡng bởi xã hội và Nhà nước. Đặc biệt, trong xu hướng già hoá dân số ngày một nhanh, yêu cầu đặt ra là phải sử dụng nguồn vốn này phải hiệu quả nhất. Vốn nhân lực được mô tả như bộ não của sự phát triển.
Thứ ba là vốn vật chất do con người tạo ra như hạ tầng, cầu cảng, nhà xưởng. Vốn này được ví như xương sống của nền kinh tế và đang có sự thay đổi tương đối lớn khi công nghệ thay đổi.
Thứ tư là vốn tự nhiên, bao gồm đất, khoáng sản, rừng… Vốn này cần có sự điều chỉnh, cơ chế định hướng quốc gia bởi lẽ nguồn vốn này là hữu hạn. Ông Dione gọi đó là bộ da bao quanh cơ thể của nền kinh tế.
“Để quốc gia có thể vững vàng trước 4 xu thế thì 4 nguồn vốn này phải được sử dụng đầy đủ, phù hợp, công bằng và hiệu quả”, Giám đốc World Bank nói và nhấn mạnh yêu cầu mọi người dân đều có quyền tiếp cận.