Các đồng tiền của châu Á – vốn đang chịu nhiều sức ép từ đà tăng giá của đồng đô la Mỹ và lãi suất tăng cao – lại đang phải đối mặt với 1 mối đe dọa mới: dù đã phục hồi trong 2 phiên gần đây, đà lao dốc của nhân dân tệ trong thời gian vừa qua làm dấy lên nỗi lo sợ rằng chiến tranh thương mại có thể chuyển biến thành 1 cuộc chiến tiền tệ.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc – vốn là một đồng tiền được Chính phủ này kiểm soát chặt chẽ – đã giảm 3% giá trị so với đồng USD trong tháng 6 và tiếp tục chạm đáy trong ngày đầu tiên của tháng 7. Trong khi đồng nhân dân tệ giảm giá trị được đánh giá là tốt cho khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc, nó có thể khuấy động thêm căng thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh 2 nước đang liên tiếp trả đũa nhau bằng các biện pháp thuế quan.
Trước đây, Trung Quốc đã từng bị ông Trump cáo buộc là cố ý giữ tỉ giá đồng nhân dân tệ luôn ở mức thấp để làm tăng sức cạnh tranh cho ngành xuất khẩu. Với tỉ giá tiền tệ của Trung Quốc xuống thấp trong thời gian gần đây trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, nó đã gây ra những nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng nó như một vũ khí để chống lại các mối đe dọa thuế quan của Mỹ. Một trong yếu tố tác động đến tỉ giá đồng nhân dân tệ được cho là từ một báo cáo bị rò rỉ cảnh báo nguy cơ “hoảng loạn tài chính” trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những tín hiệu này tất nhiên không có lợi cho châu Á. Hầu như tất cả các loại tiền tệ châu Á bao gồm đồng Baht Thái Lan, đồng ringgit Malaysia, đồng Won của Hàn Quốc và đồng đô la Singapore đều trượt giá. Giảm giá mạnh nhất là đồng rupiah của Indonesia – một trong những đồng tiền bị đánh giá là tồi tệ nhất trong khu vực trong năm nay bất chấp việc ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất hai lần trong tháng Năm để ổn định tỷ giá. Xếp ngay phía sau là đồng rupee của Ấn Độ.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, những lo ngại đối với đồng nhân dân tệ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2016 vì lo ngại rằng tranh chấp thương mại với Mỹ sẽ khiến tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Nếu Bắc Kinh quyết định đưa ra mức thuế quan để trả đũa, tâm trạng của nhà đầu tư cũng như mức chi tiêu và tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Manu Bhaskaran – CEO và cũng là nhà sáng lập của Centennial Asia Advisors – dự đoán các đồng tiền châu Á sẽ phải chịu nhiều áp lực khi các thị trường mới nổi bị rút vốn mạnh hơn theo thời gian. Bhaskaran cũng không loại trừ một đợt điều chỉnh lớn hơn nếu “sự căng thẳng” hiện tại mở rộng thành một cái gì đó nghiêm trọng hơn. Theo đó, nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu bất ngờ, hoặc các rủi ro về chính trị hay thương mại sâu sắc hơn hoặc các NHTW ở châu Á mắc sai lầm chính sách – mặc dù cho đến nay, rủi ro này thấp, niềm tin sẽ suy yếu nhanh chóng.
Sự háo hức đối với các tài sản châu Á đã giảm đáng kể kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách giữa tháng 6 và báo hiệu rằng sẽ có hai lần gia tăng nữa.
Trong môi trường thanh khoản bị thu hẹp, điều này có thể có nghĩa là các loại tài sản rủi ro như ở các thị trường mới nổi sẽ bị cắt giảm ít hơn nhiều so với trước đây, ông Bhaskaran nói.
Kể từ cuộc họp của Fed, cách đây ít ngày Trung Quốc cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể phát triển thành một cuộc chiến tiền tệ, theo chiến lược gia tiền tệ của DBS Philip Wee.
Dẫu vậy mức giảm của các đồng tiền châu Á vẫn kém rõ rệt so với thị trường chứng khoán bất chấp sự tăng giá của đồng đô la Mỹ. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Singapore, Malaysia và Indonesia đã mất từ 6,2% đến 7,4% trong tháng 6 trong khi các chỉ số châu Á khác là Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang ngập chìm trong màu đỏ và chứng khoán Trung Quốc đang tổn hại cao nhất với mức sụt giảm 11%.
Theo Jameel Ahmad, người đứng đầu chiến lược và thị trường tiền tệ toàn cầu của FXTM, diễn biến tiền tệ của các thị trường mới nổi hiện nay đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương có can thiệp vào thị trường để bảo vệ đồng nội tệ hay không.