Chủ tịch Bamboo Airways: Chúng tôi không có kinh nghiệm nhưng đã tuyển PGĐ, nhân viên giỏi từ Vietnam Airlines và các hãng khác để kịp cất cánh ngay năm nay

Chia sẻ với tờ Nikkei, chủ tịch kiêm CEO Đặng Tất Thắng nói rằng Bamboo Airways lên kế hoạch sẽ cất cánh vào cuối năm nay, chính thức gia nhập cuộc chơi hàng không với những đối thủ gồm Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar.

Cả ông Đặng Tất Thắng và chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đều nói rằng họ đảm bảo sẽ có giấy phép trước khi đến thời hạn cất cánh như đã lên kế hoạch.

Ông Thắng trả lời tờ Nikkei rằng: “Việt Nam có tiềm năng lớn đối với lĩnh vực hàng không và chúng tôi đã chuẩn bị cho tất cả các bước gồm cả giấy phép bay, cho chuyến bay thương mại đầu tiên trước cuối năm 2018”.

Ông Thắng, hiện 37 tuổi là CEO của Bamboo nói rằng tự tin về việc tham gia vào lĩnh vực hàng không vào đúng thời điểm số lượng hành khách chọn phương tiện này tăng lên nhanh chóng. Các sân bay Việt Nam phục vụ 94 triệu hành khách trong năm 2017, tăng 16% so với năm trước. Cả nước cũng đón 13 triệu lượt khách đến vào năm 2017, tăng 29% so với năm trước.

Bamboo Airway được thành lập vào tháng 5/2017 như một chi nhánh của tập đoàn FLC. Ông Quyết cũng xác nhận ở buổi họp đại hội cổ đông hàng năm của FLC vào tháng 6 rằng Bamboo Airways chắc chắn sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm nay. Nếu thành công, Bamboo sẽ trở thành hãng hàng không nội địa thứ 5 của Việt Nam. Vietjet bắt đầu hoạt động vào năm 2011.

“Chúng tôi nhắm tới trở thành một hãng vận chuyển giá tầm trung, hướng tới cả khách quốc tế và trong nước – những người muốn bay tới các địa điểm mà FLC có đặt các khu nghỉ dưỡng”.

Chủ tịch Bamboo Airways: Chúng tôi không có kinh nghiệm nhưng đã tuyển PGĐ, nhân viên giỏi từ Vietnam Airlines và các hãng khác để kịp cất cánh ngay năm nay - Ảnh 1.

Chủ tịch kiêm CEO Bamboo Airways Đặng Tất Thắng

Hiện FLC đang điều hành 6 resort sân golf trên khắp Việt Nam và dự kiến tăng con số này lên 10 vào năm 2020. Công ty cũng là nhà tổ chức các giải golf lớn nhất Việt Nam. Quy tụ hơn 3.000 tay golf mỗi tháng tới các resort, chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong bối cảnh sân bay tại TP Hồ Chí Minh quá tải và hạ tầng cũ, kế hoạch của Bamboo phụ thuộc vào sân bay Nội Bài gần Hà Nội, sân bay Vân Đồn và Quy Nhơn. Năm nay, Bamboo sẽ thuê 10 máy bay sau đó tăng lên 50 trong 3 năm tới trước khi nhận được chiếc máy bay đặt mua đầu tiên.

Trong vòng 3 tháng qua, chủ tịch FLC đã ký thỏa thuận trị giá 5,6 tỷ USD mua 20 máy bay Boeing 787-9 và 3 tỷ USD mua 24 máy bay A321 Neo.

Bamboo Airways cũng đang tiến hành đợt tuyển dụng lớn nhất trong năm cho các bộ phận hoạt động, dịch vụ, tổ bay để lấp đầy 600 vị trí trống. “Dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không nhưng chúng tôi đang tuyển những người có thâm niên từ Vietnam Airlines như Phó tổng giám đốc và những nhân tài từ các hãng vận chuyển khác trong bối cảnh kế hoạch thực hiện chuyến bay đầu tiên là ngay cuối năm nay. Bắt đầu tư năm tới, chúng tôi sẽ tiến hành các khóa đào tạo”.

FLC sở hữu lượng lớn khách sạn, resort sân golf và những dự án căn hộ khác tại Việt Nam, từ 1.000 – 3000 phòng. Họ cũng đang lên kế hoạch phát triển những dự án ven biển khác gồm ở đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Cùng với 2 người đồng nghiệp, luật sư Quyết đã thành lập nên Vietnam Trade Corp. vào năm 2001 ở tuổi 26. Trong năm 2010, sau khi mở rộng và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, công ty đã đổi tên thành FLC.

Ông Quyết hiện 41 tuổi là doanh nhân tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên ông nói rằng không quan tâm tới sự giàu có của mình nhưng rất bận tâm đến xếp hạng của công ty trên thị trường. “Bất động sản sẽ giúp cả các cá nhân và công ty giàu lên”.

Reuters: Bamboo Airways ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trị giá 5,6 tỷ USD

Bài viết mới