Bơ sẽ là “cây tỉ đô” mới của Tây Nguyên?

Ngày 3-7, tại TP HCM, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo chương trình “Đắk Nông – Mùa Bơ chín” năm 2018 giới thiệu chuỗi sự kiện quảng bá quả bơ Đắk Nông diễn ra từ ngày 18 đến 23-7 tại thị xã Gia Nghĩa.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha. Trong đó, 700 ha trồng bơ chuyên canh, còn lại là trồng xen canh với năng suất bình quân 10-15 tấn/ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

“Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho quả bơ nên Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm (chỉ trừ tháng 12 là không có bơ thu hoạch). Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và thời gian chín kéo dài so với bơ các địa phương khác. Bơ là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là một loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được” – bà Hạnh cho biết.

Bơ sẽ là cây tỉ đô mới của Tây Nguyên? - Ảnh 1.

Nhiều giống bơ chất lượng cao phát triển tốt tại Đắk Nông

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây bơ, giữa tháng 3-2018, trong chuyến thăm New Zealand, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên gồm Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm, Công ty CP SAM nông nghiệp công nghệ cao.

Bơ sẽ là cây tỉ đô mới của Tây Nguyên? - Ảnh 2.

Ông Vũ Tuấn Hoàng (bìa phải) trao đổi với phóng viên về cây bơ tỉ USD

Đại diện dự án, ông Vũ Tuấn Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sam Nông nghiệp công nghệ cao (Sam Agritech), đánh giá cây bơ có thể nhanh chóng trở thành cây tỉ USD tại Việt Nam nếu làm tốt công tác thị trường, giải được bài toán chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo ông Hoàng, năm 2017, giá trị thị trường bơ thế giới là 13 tỉ USD, dự báo 10 năm tới tăng lên 23 tỉ USD. Nhu cầu tiêu thụ bơ trên thế giới tăng mạnh, như Trung Quốc năm 2017 nhập khẩu 32.000 tấn bơ, gấp 1.000 lần so với năm 2011; Hàn Quốc nhập 5.000 tấn bơ, gấp 11 lần so với năm 2010.

“Qua khảo nghiệm, chúng tôi thấy cây bơ phát triển rất tốt tại Đắk Nông. Chúng tôi hợp tác với Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới để phát triển toàn diện cây bơ, xây dựng chuỗi giá trị về bơ phục vụ xuất khẩu và trong nước. Nội dung chính của dự án là đưa giống bơ Hass mới, loại giống đang chiếm 80% nhu cầu thế giới đưa vào thử nghiệm và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bơ, trong đó có có nhà máy chế biến dầu bơ” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng, bơ là loại quả chỉ phù hợp với một vài vùng địa lý nhất định. Ở thị trường thế giới, Trung Quốc và Thái Lan là 2 đối thủ lớn của nông sản Việt Nam không trồng được bơ nên Việt Nam có lợi thế lớn. “Ở thị trường nội địa, quả bơ đang trong tình trạng “cung không đủ cầu”, chỉ người giàu mới đủ tiền mua bơ ngon. Ngay tại nhà vườn, các loại bơ đạt chuẩn giá từ 90.000 đồng – 150.000 đồng/kg (tùy giống)” – ông Hoàng nói.

Bơ – loại quả bình thường ở Việt Nam nhưng được xem như ‘vàng’ ở Nam Phi, mang tới sự ‘đổi đời’ cho cả một quốc gia

Bài viết mới