Giá USD liên tục nhảy múa, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác trong những ngày đầu tháng 7.
Hôm nay ngày 3/7, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục có thêm một phiên “sóng” mạnh. Chỉ trong vòng có 2 giờ từ 8h đến 10h sáng, giá USD được các ngân hàng lớn nhỏ điều chỉnh tới cả chục lần. Tại Vietcombank – ngân hàng có giao dịch USD lớn nhất –mua USD ở mức 23.010 đồng và bán ra tại 23.080 đồng, cao hơn 40 đồng so với hôm qua. Các ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng khoảng 30 – 50 đồng ở hai chiều mua bán.
Tại Ngân hàng Nhà nước, giá USD niêm yết giữ ổn định như ngày hôm qua, với tỷ giá trung tâm ở mức 22.635 đồng, với biên độ +/-3% thì các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với trần 23.314 đồng và giá sàn tại 21.956 đồng.
Sang buổi chiều, giá USD tiếp tục được điều chỉnh và đến cuối ngày có phần hạ nhiệt nhưng cũng chỉ giảm khoảng 10 đồng so với buổi sáng. Tại Vietcombank tỷ giá chốt ngày là 23.000 đồng mua vào và 23.070 đồng bán ra. Giá USD ở các ngân hàng khác vẫn neo trên 23.000 đồng.
Dẫu vậy diễn biến này cũng có phần tích cực, sau khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng rằng tỷ giá vẫn đang trong tầm kiểm soát. Theo đại diện NHNN, tỷ giá tăng những ngày qua chủ yếu do lãi suất USD trên thị trường LNH tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất LNH VND vẫn ở mức thấp khiến điểm chênh lệch lãi suất VND-USD tăng mức âm. Bên cạnhđó một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường như thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới.
“NHNN sẽ lưu tâm đến các động thái cùa Fed về lãi suất cũng như tác động của quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường” – người đứng đầu Vụ chính sách tiền tệ nói với báo chí chiều muộn ngày 2/7.
Trước khi có thông điệp từ NHNN, giá USD đã liên tục tăng kể từ tuần trước.
Phản ứng với những biến động này, một số chuyên gia cho rằng với mức biến động 1,2 – 1,4% so với đầu năm vẫn chưa phải là điều gì nghiêm trọng và cần lưu ý, bởi lẽ tỷ giá tăng là theo xu hướng chung của thị trường thế giới, và rằng khi nào biến động trên 2% mới phải quan ngại. Có những ý kiến khác cho rằng phải sống chung với đồng USD biến động mạnh để chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ với chúng tôi, một Phó tổng giám đốc của một ngân hàng có mảng kinh doanh ngoại hối khá lớn cũng cho rằng, với biến động 0,93% của tỷ giá trung tâm hiện nay so với đầu năm chưa phải điều gì “ghê gớm”.
“USD tăng là bởi tác động của thị trường Quốc tế, bao gồm việc Fed tăng lãi suất và hứa hẹn tăng lãi suất tiếp, qua đó làm cho đồng USD mạnh lên. Hơn nữa với chính sách bảo hộ của chính phủ Mỹ sẽ tạo áp lực lớn lên xuất khẩu của hàng loạt các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thậm chí một số thị trường khác như Bắc Mỹ, EU, không loại trừ cả Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Cho nên các nước phải bảo vệ xuất khẩu, phải tính đến tỷ giá để làm sao thuận lợi nhất cho xuất khẩu. Chẳng ai dại gì mà tăng giá trị của đồng nội tệ lên để làm bất lợi cho xuất khẩu, ít nhất là giữ nguyên, không thì phải điều chỉnh lên để tăng lợi thế cho xuất khẩu. Ngoài ra, không loại trừ có những dòng vốn sẽ điều chỉnh chảy về Mỹ, qua đó tạo áp lực lên các đồng tiền của các nước tham chiếu với USD” – vị này phân tích.
Đối với Việt Nam, theo vị lãnh đạo ngân hàng nói trên, nội tại kinh tế đang rất tốt. GDP của 6 tháng đầu năm tăng mạnh, kéo theo sự gia tăng của CPI bình quân 6 tháng ở mức 3,29% – cao nhất trong 7 năm, nhưng mức tăng CPI này cũng chưa e ngại, vẫn ở mức bình thường, chưa phải là lý do làm tăng áp lực lên tỷ giá. Nếu tính toán tương quan giữa tăng giá USD ở thị trường Việt Nam so với giá USD trên toàn cầu thì mức tăng này (chưa đến 1%) vẫn còn thấp.
Và ông cho rằng, đối với thị trường Việt Nam, yếu tố tâm lý đang là “tội đồ” lớn nhất tác động lên tỷ giá. Đó là việc mọi người đã quen với sự ổn định của tỷ giá, thậm chí là đứng yên trong thời gian dài. Cho nên khi cặp tỷ giá USD/VND vượt qua mức 23.000 đồng đã tạo nên một ngưỡng tâm lý ấy là con số 23.000 đồng.
“Người ta bỗng dưng có tâm lý lo ngại rằng tỷ giá đã vượt 23.000 đồng, rồi người ta sẽ nói ôi 23.000 là quá cao. Nhưng hãy nhìn xem, mức tăng mới chỉ là 0,93% trong khi những năm trước đây tăng hơn nhiều. Bên cạnh đó tiền tệ các nước mất giá hơn rất rất nhiều, cho nên thực tế là không có gì phải lo ngại” – vị này phân tích.
Ông cũng lưu ý, với cách điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay đang rất khôn khéo, linh hoạt, và sự biến động gần đây rõ ràng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. “Tỷ giá tăng nhưng GDP vừa được báo cáo vẫn đạt mức cao nhất trong vòng cả chục năm nay, như thế thì tỷ giá rõ ràng không ảnh hưởng gì đến kinh tế”.
Thậm chí, ông còn cho rằng, tỷ giá được điều chỉnh như vậy là tạo điều kiện cho xuất khẩu, gia tăng tính tự vệ trong bảo hộ mậu dịch. Mức điều chỉnh này tốt hơn nhiều so với việc chúng ta cứ buộc neo cứng tỷ giá trước đây.
Trước băn khoăn của người viết rằng tỷ giá có lợi cho xuất khẩu nhưng sẽ tác động xấu đến nhập khẩu, vị phó Tổng giám đốc cho biết, FDI vẫn là trụ cột đóng góp vào tăng trưởng. Nếu FDI tốt thì bản thân các doanh nghiệp sẽ cân đối giữa việc nhập và xuất để có lời. Nếu tác động đến giá nhập khẩu thì cũng sẽ tác động đến giá xuất khẩu và tổng thể vẫn có lợi.
“Chính sách nói chung của Việt Nam là vẫn khuyến khích xuất khẩu hơn là nhập khẩu. Chỉ có vấn đề là làm sao để tỷ giá điều chỉnh không tạo nên lạm phát. Nếu biến động trong biên độ cho phép thì có lợi nhiều hơn hại, nếu tỷ giá biến động đột biến thì mới đáng lo ngại”- ông khẳng định.
Một lần nữa, ông, đồng thời cũng là một chuyên gia về kinh tế có những nhận định tương đối chính xác về tỷ giá, lạm phát của Việt Nam nhiều năm qua, cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phải can thiệp thị trường cho thấy mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Ông nhắc lại chính con số 23.000 đồng đã tạo nên tâm lý lo ngại cho thị trường chứ không phải việc nó biến động tăng theo con số thực tế chúng ta đang nhìn thấy.
Và ông cũng khuyến nghị NHNN rằng cần tiếp tục theo dõi sát tỷ giá để có biện pháp điều hành phù hợp vì chẳng ai đoán chắc được Mỹ sẽ có chính sách gì về thương mại, ví dụ như gần nhất họ nói rút khỏi WTO, nếu thật thì sẽ ảnh hưởng đến mậu dịch toàn cầu, và khi ấy không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia cũng đều phải phòng vệ ở hai lĩnh vực là rào cản hàng hóa thuế quan và tỷ giá.