Doanh nhân thành công cũng từng “không biết mình đang làm gì”
Nữ doanh nhân Kathryn Minshew, 32 tuổi, là CEO và đồng sáng lập nền tảng công nghệ The Muse (giới thiệu và tư vấn việc làm). Cô không chưa hề nghĩ tới chuyện khởi nghiệp cho đến năm 2011 vì cô bận đi trả lời câu hỏi của người khác. Mãi đến khi cô nhận ra mình cần phải tự trả lời những câu hỏi của bản thân thì cô mới chính thức bắt tay vào thành lập và phát triển The Muse.
Vào những ngày đầu tiên của sự nghiệp, Minshew đã tham gia vào một cộng đồng công nghệ địa phương ở San Francisco và tìm hiểu một số sai lầm mà start-up thường gặp. Quan trọng hơn, cô nhận ra rằng “các doanh nhân không phải là nhà ảo thuật”.
Mọi người thường ngưỡng mộ các doanh nhân khi chứng kiến thành công của họ, nhìn thấy doanh nghiệp của họ đi lên và nổi tiếng. Chúng ta nghĩ rằng, họ hẳn phải có “phép màu” hoặc sự trợ giúp nào đó mới có thể leo lên đỉnh cao của thành công như thế. Và Minshew hay rất nhiều người khác thì không may mắn để có được những phép thuật đó.
Nhưng tất cả những câu hỏi của cô đã được trả lời xác đáng khi cô đi vào sau “hậu trường” và chứng kiến cách những người thành công làm việc mỗi ngày. “Họ cũng như chúng ta, làm việc chăm chỉ và có những ý tưởng tuyệt vời đúng thời đúng lúc. Nhưng sau tất cả, họ vẫn chỉ là một người bình thường, một người đôi khi không biết rõ mình đang làm gì”, Minshew chia sẻ.
Nhận thức này đã “đánh thức” Minshew và cho cô động lực để khởi tạo nên The Muse ngày nay. Cho đến nay, The Muse đã giúp hơn 50 triệu người tìm được công việc phù hợp. Điều này giúp nữ doanh nhân trở thành một tấm gương khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ Mỹ.
Ngay cả những doanh nhân thành đạt nhất đôi khi cũng không hoàn toàn tự tin vào quyết định của họ, nhưng đó lại là điều có lợi
Cũng giống như Minshew, Dawoon Kang cũng bắt đầu sự nghiệp của mình với sự ngờ vực về thành công của nó. Cô là đồng sáng lập cũng như COO, Giám đốc marketing của ứng dụng hẹn hò Coffee Meets Bagel. Cô kể rằng, những ngày đầu mới bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp, cô đã luôn nghĩ rằng: “Ờ, nếu có một ai đó thật từng trải và có nhiều kinh nghiệm nói với tôi rằng mình đang làm đúng thì chắc là đúng rồi”.
Nhưng rồi, suy nghĩ của cô dần thay đổi. Cô phát hiện ra không một ai có câu trả lời đúng hoàn toàn. Công việc của một chủ doanh nghiệp là phải tìm hiểu, tập hợp và phân tích các ý kiến, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chính mình.
Với suy nghĩ này, cô và những đồng nghiệp đã từ chối khoản đầu tư trị giá 30 triệu USD từ Mark Cuban trong Shark Tank vì cô nghĩ công ty mình đáng giá hơn rất nhiều. Cô cũng từ chối lần nữa khi được đề nghị sao chép lại Tinder như những nhà đầu tư gợi ý cho cô và đồng nghiệp.
Nghe thì rất khảng khái nhưng Kang cũng chia sẻ cô chưa bao giờ cảm thấy tự tin hoàn toàn khi đưa ra các quyết định dưới tư cách một doanh nhân. “Bạn đang làm cái gì đó mà mọi người chưa bao giờ làm. Tôi không nghĩ bạn có thể làm điều đó với 100% tự tin đâu, luôn có một tia nghi ngờ le lói trong đó”, cô nói.
Có một nghiên cứu khoa học đằng sau những quyết định có phần hoài nghi của Kang và Minshew. Theo nhà tâm lý học Tomas Chamorro-Premuzic, viết trong tờ Harvard Business Review, sự thiếu tự tin đôi khi lại là lợi ích. Bởi nó sẽ nhắc bạn phải thật chăm chỉ để làm chủ được con đường mà mình đã lựa chọn. Cũng giống như khi Minshew nhìn thấy các doanh nhân cũng gặp những lúng túng trong công việc, cô hiểu mình cũng sẽ làm được mà thôi.