Donald Trump đã quay lưng lại với nhiều đồng minh lâu năm của nước Mỹ. Ông coi họ là những mối đe doạ đối với nền an ninh quốc gia, và lấy đó là cớ để áp dụng mức thuế quan thép 25% và nhôm 10%. Với quốc gia láng giềng Mexico, động thái này sẽ lấy đi 3 tỉ USD doanh thu từ xuất khẩu của Mexico. Dù vậy, con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 300 tỉ USD doanh thu xuất khẩu của Mexico tới các nước láng giềng phía bắc mỗi năm.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của thuế quan không chỉ dừng lại ở đó. Thuế quan đã chính thức chôn vùi hiệp định NAFTA vốn đã “hấp hối”. Thuế quan còn đe doạ tới các ngành tích hợp với hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cơ bản qua biên giới, gây tổn thất cho các nhà sản xuất, công nhân và cả người tiêu dùng. Thêm vào đó, thuế quan còn cho thấy giành chiến thắng trong chiến tranh thương mại không hề dễ dàng.
Hãy lấy Mexico, quốc gia dùng chính thuế quan để phản đòn, làm ví dụ. Rất nhiều người đang trông chờ một cuộc chiến giữa Mỹ và EU, nhưng lại không mấy ai ngờ đòn đáp trả từ phía Mexico. Mexico là quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Là một trong những quốc gia với nền thương mại mở, Mexico đã biến thương mại thành động lực kinh tế chính. Trước những rào cản thương mại ngày càng nhiều của Trump, Mexico có thể sẽ là quốc gia dễ gục ngã nhất.
Tuy vậy, Mexico đã sẵn sàng cho trận chiến. Sau khi Mỹ tuyên bố áp dụng thuế quan, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo từng phát biểu: “Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ đáp trả.” Và tuyên bố này chính là tín hiệu cho các biện pháp trừng phạt. Mexico tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan với thép, phô mai, thịt lợn, táo và nho. Đây không phải là một động thái ngẫu hứng; thay vào đó, với hành động này, Mexico không chỉ giành được công bằng kinh tế và đòn bẩy chính trị, mà còn nhắm tới các hạt quan trọng tại Mỹ và những người ủng hộ Trump.
Mexico cũng từng áp dụng biện pháp tương tự trong cuộc chiến trong lĩnh vực vận tải đường bộ xuyên biên giới kéo dài một thập kỉ. Ngoài hàng hoá và dịch vụ, NAFTA cam kết sẽ mở cửa thị trường vận tải. Sau một thời gian tiến hành, lẽ ra các đoàn xe tải của Mexico và Mỹ đã có thể vận chuyển hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tới khách hàng ở bên kia biên giới. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn chặn xe tải Mexico do những lo ngại về an ninh và áp lực trong nước.
Sau nhiều năm đàm phán, sau khi xây dựng và bãi bỏ các chương trình thử nghiệm, vào năm 2009, Mexico quyết định áp dụng thuế quan. Gần 100 loại mặt hàng chịu tổn thất trước mức thuế quan 5-25%. Khi thuế quan tăng, số lượng cuộc gọi tới các đại diện và nghị sĩ có sức ảnh hưởng cũng tăng theo. Và hai năm sau đó, chính quyền Obama đã xây dựng một chương trình thử nghiệm cho phép các công ty vận tải đường bộ và tài xế đủ tiêu chuẩn di chuyển qua biên giới. Và từ đó, thuế quan chấm dứt.
Trước khả năng một cuộc chiến thương mại mới bùng nổ, chính phủ Mexico hiện đang xem xét chiến lược tương tự. Và lần này Mexico không đơn độc. Nhiều nhà sản xuất và các chuỗi cung ứng phát triển của Mỹ cũng ủng hộ quốc gia láng giềng. Canada và EU cũng tham chiến, và danh sách thuế quan của họ cũng không có nhiều khác biệt so với Mexico.
Tại Mexico, dù đang giữa thời điểm tranh cử, nhưng mọi ứng viên đều ủng hộ hành động của Bộ Thương Mại Mexico. Cộng đồng doanh nghiệp Mexico cũng ủng hộ quyết định của chính phủ. Tình hình này trái ngược hoàn toàn với Mỹ. Phòng Thương Mại Mỹ đã lên án hành động của Trump, và nhiều người cho rằng thuế quan sẽ đẩy các trang trại Mỹ tới giới hạn sụp đổ.
Không ai có thể biết trước kết quả của chiến lược này. Trái với sự quả quyết ban đầu, Mexico sẽ vẫn chịu tổn thất, đặc biệt là nếu Mỹ áp dụng thêm thuế quan hoặc đe doạ phá huỷ NAFTA. Mexico cũng đang phải đối mặt với một sự chuyển đổi chính trị có thể gây ra nhiều hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy chiến thắng chiến tranh thương mại là không hề dễ dàng, và chính phủ Mỹ sẽ không đánh giá thấp một loại vũ khí nhìn có vẻ yếu ớt.