Không chỉ có Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…nơi này cũng đang là “điểm đến” của hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng lớn

Nhiều dự án đổ bộ vào Bình Thuận

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang có sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn có chiến lược dài hơi, nên đây là phân khúc có triển vọng rất lớn. Với hạ tầng ngày càng phát triển đồng bộ, du khách tăng cao những năm gần đây, Phan Thiết (Bình Thuận) đang thu hút nhiều dự án lớn.

Theo thống kê, trong tháng 4/2018, có khoảng 428.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, du khách đến Bình Thuận đạt gần 1 triệu 760 ngàn lượt. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách tăng 12%. Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh đón 7 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 12-14% năm. Điều này tạo ra sự sôi động ở thị trường BĐS nghỉ dưỡng.

Nhiều DN triển khai dự án nghỉ dưỡng đã vào đón sóng thị trường này. Minh chứng, mới đây, Danh khôi Việt Nam đã phát triển dự án The Qeen Pearl với quy mô 27ha; hay dự án Sentosa Villa của Hưng Thịnh có quy mô 16ha. Tương tự, Tập đoàn Rạng Đông đầu tư dự án Ocean Dunes với tổng vốn 2.600 tỉ đồng, quy mô 62ha. Ngoài ra, dự án Vietpearl City cũng “đổ bộ” về Phan Thiết với 3 lock condotel, 300 nhà phố nghỉ dưỡng.

Một dự án khác khá nổi bật được đầu tư tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận là Aloha Beach Village của Công ty Địa ốc Sài Gòn Việt Úc (Việt Úc Group). Dự án là KĐT thương mại – giải trí – sinh thái tại Mũi Né với diện tích 15ha, tổng mức đầu tư 3.200 tỉ đồng. Được biết, dự án là quần thể condotel, căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và các tiện ích giải trí cao cấp khác. Trong đó, các căn condotel có diện tích 32m2, thiết kế 1-3 phòng ngủ, giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Khách mua có thể nghỉ dưỡng hoặc khai thác cho thuê.

Theo đại diện UBND Tp.Phan Thiết, trong tương lai không xa Phan Thiết sẽ trở thành đô thị du lịch biển độc đáo, là điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế bởi những giá trị tiềm năng mà các NĐT nhận thấy được ở thị trường này.

Động lực từ hạ tầng và siêu dự án

Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và các siêu dự án triển khai tại Bình Thuận được xem là đòn bẩy thay đổi diện mạo thị trường BĐS nơi đây.

Đầu tiên phải kể đến những yếu tố về giao thông đột phá là động lực quan trọng nhất. Cụ thể, dự án cao tốc TPHCM – Dầu Giây được kết nối với quốc lộ 1 đã được nâng cấp đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến Bình Thuận và khi tuyến cao tốc cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hoàn thành, khoảng thời gian này còn được rút ngắn hơn.

Bên cạnh đó, các tuyến giao thông dọc bờ biển kết nối các trung tâm du lịch của Bình Thuận, quốc lộ 1 nâng cấp mở rộng từ Nha Trang đi Phan Thiết hay quốc lộ 28 nối Phan Thiết và Đà Lạt… hoàn tất sẽ giúp du khách thuận lợi đi đến Bình Thuận. Ngoài ra, tuyến cao tốc Phan Thiết – Mũi Né – Nha Trang cũng hứa hẹn đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của tứ giác vàng du lịch Tp.HCM – Phan Thiết – Đà Lạt – Nha Trang.

Song song với đầu tư hạ tầng, tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết cũng có chủ trương thu hút các nhà đầu tư. Mới đây nhất, tỉnh ủy Bình Thuận đã họp và thống nhất chủ trương đầu tư một “siêu dự án” – KĐT du lịch biển mang tên TMS Hòa Thắng Mũi Né.

Được biết, dự án có diện tích sử dụng đất 1.340 ha và vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Chính sự xuất hiện của “siêu dự án” này đã tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực hạ tầng du lịch, thương mại – dịch vụ và làm động lực phát triển thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Bình Thuận trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, khi mà những kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ không còn hấp dẫn thì BĐS sẽ là kênh sinh tiền hấp dẫn, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng. Rất nhiều các dự án được tung ra thị trường và số lượng giao dịch cũng tăng lên theo đợt là minh chứng rõ nét ở phân khúc này.

Theo đại diện Savills, năm 2018 với những tiềm năng về thị trường và khách hàng cũng như cơ hội nới rộng chính sách về cấp sổ đỏ cho condotel sẽ là điều kiện để tăng sự hấp dẫn, tính thanh khoản, thu hút đầu tư ở các dự án BĐS nghỉ dưỡng.

Bài viết mới