Từng “mua gì cũng thắng”, nhiều quỹ lớn nhỏ tại Việt Nam đã “sấp mặt” chỉ sau nửa đầu năm 2018

Chứng khoán Việt Nam vừa đi qua nửa chặng đường năm 2018 với những biến động dữ dội. Sau khởi đầu thăng hoa trong quý 1 với mức tăng trưởng hơn 20%, áp lực điều chỉnh mạnh trong quý 2 đã khiến thị trường không những “bay hơi” toàn bộ thành quả mà thậm chí còn giảm 2,4% so với đầu năm.

Diễn biến thị trường thời gian qua không chỉ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt những nhà đầu tư mới giải ngân trong giai đoạn cuối quý 1 thiệt hại nặng nề mà ngay cả các quỹ đầu tư tên tuổi cũng chung số phận.

Thống kê cho thấy các quỹ đang hoạt động trên TTCK Việt Nam đều không có kết quả tốt và hầu hết đều tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.

“Quán quân” thua lỗ là Hestia khi NAV quỹ âm 19,4% trong nửa đầu năm. Người “anh em” với Hestia là Passion Investment (PIF) cũng ghi nhận NAV âm 8,6% và là một trong những quỹ có diễn biến tệ nhất thị trường.

Việc tất tay vào cổ phiếu VPB là nguyên nhân khiến hai quỹ Hestia và Passion có hiệu quả kém trong nửa đầu năm. Trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2017, với phong cách đầu tư tập trung vào MWG, hai quỹ Hestia, Passion Investment đã thu được hiệu quả vượt trội so với thị trường chung.

Từng “mua gì cũng thắng”, nhiều quỹ lớn nhỏ tại Việt Nam đã “sấp mặt” chỉ sau nửa đầu năm 2018 - Ảnh 1.

Hầu hết NAV các quỹ lớn nhỏ tại Việt Nam đều âm trong nửa đầu năm 2018

Ngoài Hestia, Passion Investment, nhiều quỹ nội cũng hoạt động kém hiệu quả trong nửa đầu năm như Techcom Capital TCEF (âm 5,3%), VCBF-BCF (âm 4,6%), VnDirect Active Fund (âm 1,8%) hay nhóm quỹ Thiên Việt TVAM TVGF2 (âm 11,6%), TVAM TVGF1 (âm 8,3%), SSI SCA (âm 4,6%).

Các quỹ do VFM quản lý cũng không khá khẩm hơn khi NAV các quỹ VFMVF4, VFMVF1 hay quỹ ETF VFMVN30 cũng đều tăng trưởng âm.

Với quỹ ngoại, những tên tuổi lớn như Pyn Elite Fund, JPMorgan VOF, Vietnam Holding cũng không ngoại lệ. Những quỹ có quy mô “tỷ đô” như Dragon Capital VEIL hay Kim Vietnam Growth Securities cũng tăng trưởng âm nhưng mức độ không quá lớn, lần lượt là âm 3,5% và âm 2,3%.

Bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF cũng có kết quả không khả quan. NAV VNM ETF trong nửa đầu năm 2018 âm 8,9%, trong khi FTSE Vietnam ETF tích cực hơn đôi chút với mức âm 1,5%.

Từng “mua gì cũng thắng”, nhiều quỹ lớn nhỏ tại Việt Nam đã “sấp mặt” chỉ sau nửa đầu năm 2018 - Ảnh 2.

Vn-Index biến động dữ dội trong nửa đầu năm 2018

Ngược lại, vẫn có một vài quỹ “đánh bại thị trường” trong nửa đầu năm 2018, nhưng mức tăng là không đáng kể như bộ đôi quỹ của VinaCapital là VEOF (tăng 0,1%) và VOF (tăng 0,4%). SSIAM VNX50 ETF là quỹ nội hiếm hoi ngược dòng thị trường với NAV tăng nhẹ 0,7%.

Tundra Vietnam Fund cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt 2,6% trong nửa đầu năm 2018. Tuy vậy, quỹ chuyên “đánh game” nâng hạng này đang có dấu hiệu rút vốn khỏi Việt Nam. Theo ước tính trong tháng 5, quỹ này đã rút vốn khoảng 65 triệu USD khỏi TTCK Việt Nam.

Quỹ có thành tích nổi bật nhất trong nửa đầu năm là LionGlobal Vietnam Fund với mức tăng trưởng NAV 3,5%. Tổng tài sản LionGlobal Vietnam Fund hiện vào khoảng 68 triệu USD và quỹ dùng FTSE Vietnam Index làm chỉ số tham chiếu.

Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund “bay hơi” 38 chỉ sau 1 tháng

Bài viết mới