Cuộc tấn công mà Tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc trên mặt trận thương mại đang dần chuyển từ những lời đe dọa và các cuộc đàm phán “chết yếu” sang những tác động đối với thế giới thực.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 được công bố cuối tuần trước đã cho thấy điều đó. Mặc dù PMI ở mức 51,5 điểm, giảm nhẹ so với con số 51,9 của tháng trước nhưng vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm phân cách giữa tình trạng suy giảm và mở rộng. Tuy nhiên chỉ số phụ lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm từ 51,2 điểm xuống chỉ còn 49,8 điểm, dưới ngưỡng 50 và là dấu hiệu cho thấy nhu cầu từ các thị trường nước ngoài đang suy giảm.
Chỉ số PMI sản xuất suy giảm trong tháng 6 nhưng PMI phi sản xuất tăng trưởng
Chỉ số PMI phi sản xuất (gồm khu vực dịch vụ và xây dựng) tăng từ mức 54,9 điểm của tháng 5 lên 55 điểm.
3 chỉ số phụ cho thấy tương lai ảm đạm đối với các nhà sản xuất Trung Quốc
Sự sụt giảm cũng xuất hiện trong số liệu xuất khẩu tháng 6 của Hàn Quốc. Một phần nguyên nhân khiến xuất khẩu của Hàn Quốc bất ngờ suy giảm là do yếu tố mùa vụ như tháng 6 có ít ngày làm việc hơn bình thường, nhưng Hàn Quốc là nguồn cung cấp chính các chip nhớ máy tính và nhiều linh kiện điện tử quan trọng khác cho Trung Quốc (mặt hàng này chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc).
Do số liệu xuất khẩu của Hàn Quốc được công bố sớm hơn so với hầu hết các nước khác, nó được coi là “phong vũ biểu” đo lường sức khỏe của hoạt động thương mại toàn cầu.
Trong thông báo của mình, CFLP, cơ quan công bố số liệu PMI của Trung Quốc, đã giải thích mức thuế cao có thể tác động tiêu cực đến số đơn đặt hàng như thế nào. “Trong những tháng trước, các công ty tăng cường xuất khẩu bởi họ dự đoán trước được tình hình thương mại quốc tế sẽ hết sức phức tạp. Khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, hoạt động xuất khẩu bắt đầu trùng xuống”.
Các số liệu kinh tế không mấy sáng sủa đến vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với 1 nhiệm vụ khó nhằn là làm sao cân bằng giữa việc hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc trong khi vẫn phải thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu rủi ro tài chính. Vì thế giới phân tích dự đoán trong bối cảnh khu vực dịch vụ vốn đóng vai trò ngày càng quan trọng vẫn đang khỏe mạnh, Trung Quốc sẽ không vội vàng tung ra các biện pháp kích thích. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang trên lộ trình đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Tuy nhiên việc thị trường chứng khoán rơi vào thị trường con gấu và đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2015 đã khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Giờ đây câu hỏi là NHTW Trung Quốc (PBOC) sẽ đưa ra động thái nào để phản ứng với số liệu được công bố cuối tuần trước. Họ sẽ thực hiện các chính sách có ảnh hưởng rộng như điều chỉnh lãi suất hay sẽ giữ cách tiếp cận hiện tại là chỉ hỗ trợ một vài lĩnh vực cụ thể (chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ)?
Cách đây hơn 1 tuần PBOC đã cắt giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Động thái này có thể tạo thêm 700 tỷ nhân dân tệ (106 tỷ USD), nhưng hầu hết số tiền nhằm vào hỗ trợ chương trình hoán đổi nợ có mục tiêu dọn dẹp nợ xấu. Các chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 6 tháng cuối năm nhưng vẫn chưa thể khẳng định điều này sẽ trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng hay không. Thị trường bất động sản có dấu hiệu bong bóng và mức nợ doanh nghiệp ngày càng cao khiến Trung Quốc không còn có thể dễ dàng tạo ra tăng trưởng bằng cách tăng tín dụng như trước.