Bình Định: Lãnh đạo tỉnh, huyện đối thoại với dân về dự án điện mặt trời

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư hồi giữa tháng này. Dự án do Cty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam đăng ký trên diện tích 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất, công suất thiết kế 50MWp, tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối quý II/2019.

Bình Định: Lãnh đạo tỉnh, huyện đối thoại với dân về dự án điện mặt trời - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở Bình Định đã tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ảnh Sở CT)

Cho rằng bị “gạt ra một bên” trong quá trình hình thành dự án, sinh kế bị đe dọa, cư dân địa phương đã phản ứng mạnh với nhóm khảo sát và yêu cầu lãnh đạo tỉnh phải có mặt để đối thoại giải quyết quyền lợi cho người dân có nguy cơ bị thiệt hại.

“Đầm Trà Ổ là nguồn sống của hơn 500 gia đình từ bao đời nay. Nếu thu hồi mặt nước, chúng tôi biết bấu víu vào đâu? Không chỉ dân Châu Trúc mà cả các thôn lân cận đều không muốn một dự án triển khai ở đây”, một cá nhân “thường trực” 2 ngày qua ngoài đầm lên tiếng.

Ông Đặng Thanh Nhàn – Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu – giải thích: “Dự án đã triển khai đâu, chưa kịp làm gì thì bà con đã phản đối. Chủ trương của tỉnh còn chưa ráo mực. Chúng tôi đang chờ huyện triển khai xuống.

Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết đã gặp dân, “ghi nhận tất cả ý kiến của bà con”. “UBND huyện yêu cầu xã họp dân, họp Đảng bộ địa phương để mọi khúc mắc đều có cơ hội được trình bày. Chính quyền cũng như chủ đầu tư phải có trách nhiệm vận động, giải thích. Dân có thuận thì dự án mới triển khai”, ông Dũng nói.

Bình Định: Lãnh đạo tỉnh, huyện đối thoại với dân về dự án điện mặt trời - Ảnh 2.

Năng lượng tái tạo đang là xu hướng, tuy vậy khi triển khai cần lưu tâm đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án (ảnh SCT)

Chính quyền huyện tiếp nhận toàn bộ phản ánh, kiến nghị của bà con. Về yêu cầu đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh, huyện đã xin ý kiến và được hẹn người lãnh đạo UBND tỉnh sẽ gặp gỡ, đối thoại với người dân. Tinh thần của dự án là công khai và phải được dân ủng hộ.

Đây không phải lần đầu tiên, các dự án kinh tế ở Phù Mỹ vấp phải phản ứng từ trong trứng nước. Tháng 4.2018, một dự án điện gió đã bị người dân hai xã Mỹ Thọ, Mỹ An phản đối. Trước đó, từ tháng 2, dự án chế biến hải sản, vẫn ở Mỹ An, cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam đầu tư dự án điện mặt trời 1.200 tỷ đồng tại Ninh Thuận

Bài viết mới