Mảng khách hàng cao cấp hay khách hàng ưu tiên (khách VIP) ngày càng được các ngân hàng chú trọng phát triển. Không chú trọng sao được khi đây là nhóm khách hàng hiện đang đóng góp phần lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận cho các nhà băng, và được đánh giá là có tiềm năng rất lớn.
Nhưng dù được một số ngân hàng triển khai từ sớm, cách đây 6-7 năm, thì mảng khách VIP của các ngân hàng Việt nói chung trên thị trường vẫn khá mờ nhạt. Điều này xuất phát từ việc không phải ngân hàng nào cứ muốn làm cũng được, bởi nó đòi hỏi các nhà băng phải có một nền tảng khách hàng nhất định, đồng thời với việc sẵn sàng đầu tư để trang bị những dịch vụ tốt nhất phục vụ cho nhóm những người giàu – vốn quen và muốn được sử dụng những dịch vụ cao cấp nhất.
Trong số các ngân hàng Việt, Techcombank và VPBank đang là hai ngân hàng được đánh giá là có mảng khách hàng ưu tiên phát triển nhất, chiếm thị phần cao nhất trên thị trường. Ngoài ra, một số ngân hàng như Sacombank, HDBank, VIB, Vietcombank…cũng có dịch vụ khách hàng ưu tiên.
Mỗi ngân hàng có những cơ sở để định danh khách VIP riêng, nhưng phổ biến là dựa trên số dư tiền gửi tiết kiệm hoặc các giao dịch thanh toán qua tài khoản.
Chẳng hạn dựa trên số dư tiết kiệm, VPBank định danh khách hàng ưu tiên là những khách hàng có tổng giá trị tài sản huy động trung bình tháng từ 1 tỷ đồng trở lên. Những khách hàng này được gọi dưới cái tên khách hàng Diamond (tên cũ là Gold Club).
Techcombank thì nâng hạng khách hàng lên VIP, gọi là Priority, khi có khoản tiền gửi 1 tháng từ 2 tỷ trở lên hoặc 500 triệu với kỳ hạn 6 tháng trở lên. Trước đây, chỉ cần khách hàng trả lương qua Techcombank có số dư tài khoản ATM là 40 triệu đồng trong 3 tháng liên tiếp đã được là khách VIP.
Sacombank có mảng khách hàng ưu tiên là Imperial dành cho các khách hàng có tổng giá trị tài khoản 5 tỷ đồng trở lên (bao gồm tiền gửi, vay, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính…).
Hầu hết các ngân hàng đều có những ưu đãi rất đặc biệt cho nhóm khách hàng này, chẳng hạn ưu tiên về lãi suất như giảm lãi suất cho vay hoặc cộng thêm lãi suất tiền gửi; có khu vực phục vụ khách cao cấp riêng tại quầy; có chuyên viên chăm sóc khách hàng riêng; được ưu đãi phí sử dụng nhiều dịch vụ tài chính như cho thuê két sắt, mua bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng, giảm phí thường niên các loại thẻ; hạn mức trong thẻ rất cao hoặc hạn mức giao dịch internet banking trong ngày không giới hạn; được cấp số tài khoản đẹp; được tham gia các sản phẩm đầu tư tài chính như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu quỹ; có ngân hàng còn có cả dịch vụ đưa đón sân bay bằng xe hạng sang với khách hàng siêu VIP…
Ưu đãi chung là vậy, nhưng mỗi ngân hàng lại có chính sách riêng về mức lãi suất hoặc phí dịch vụ khác nhau. Chẳng hạn như khách VIP của các ngân hàng VPBank, Techcombank, Sacombank, VIB…đều được cộng thêm 0,1% lãi suất so với khách hàng thông thường nhưng nếu là tài khoản thanh toán cao cấp thì VPBank còn cộng lãi suất tới 0,8% khi gửi tiền hoặc nếu vay tiền thì giảm đến 1% lãi suất so với thông thường.
Hay như khách hàng thông thường ở các nhà băng chỉ được hạn mức giao dịch internet banking là 200 triệu đồng/ngày, có vài ngân hàng cho lên 500 triệu đồng/ngày là cao nhất nhưng nếu khách VIP, như ở VPBank, Eximbank hay ACB thì được hạn mức tới 2 tỷ đồng/ngày. Thậm chí VPBank còn đang có kế hoạch nâng hạn mức giao dịch internet banking cho khách ưu tiên tới 5 tỷ đồng/ngày.
Về các sản phẩm đầu tư và bảo vệ dành cho khách VIP, ở Techcombank hiện nay, ngoài ưu đãi về bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ thì khách hàng ưu tiên còn được chuyên viên tư vấn tham gia các sản phẩm như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (ngân hàng xé lẻ ra để bán cho các khách hàng), đầu tư chứng chỉ quỹ của TCBS. Đội ngũ chuyên gia tài chính của VPBank cũng sẵn sàng tư vấn cho khách hàng ưu tiên các sản phẩm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và sản phẩm chứng chỉ quỹ nhưng có nhiều lựa chọn hơn, chẳng hạn SSI và VFM…
Nhưng trong tất cả các ngân hàng có dịch vụ khách hàng ưu tiên hiện nay, VPBank đang có vẻ “chơi trội” hơn về cả dịch vụ lẫn sự trải nghiệm. Nếu là khách VIP của nhà băng này thì sẽ được tặng luôn một tài khoản số đẹp mà nếu khách hàng bình thường phải mất phí cả chục triệu đồng, bên cạnh đó nghiễm nhiên vợ hoặc chồng của khách hàng đó cũng được định danh là khách VIP và có nhiều quyền lợi ưu đãi. Ngoài ra, đây là ngân hàng duy nhất ở Việt Nam có phòng chờ cao cấp tại sân bay Nội Bài cho khách hàng ưu tiên và được miễn phí thêm người đi kèm. Nhà băng này cũng đang triển khai lắp đặt phòng chờ tại sân bay Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh để phục vụ khách VIP, sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Theo nhận xét của các chuyên gia, với những dịch vụ nâng cấp không ngừng của các nhà băng dành cho nhóm khách hàng cao cấp, khách hàng đã VIP lại ngày càng được đối xử “VIP” hơn. Sự nỗ lực của các ngân hàng là để giữ chân được nhóm khách hàng này và hút thêm các khách hàng có “đẳng cấp” tương tự, qua đó có thể khai thác nhiều hơn nữa các sản phẩm dịch vụ mà họ sử dụng để gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.