Nhiều nông dân Lâm Đồng trắng tay khi lao vào “vòng xoáy”… tiền ảo Khoe tài sản trên mạng, đại gia tiền ảo mất trắng hàng triệu USD Tiền ảo và những rủi ro thật
Và thực tế đang có rất nhiều người vì ham giàu xổi nhưng thiếu kiến thức đã trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo.
“Chết” vì… vỏ bọc hào nhoáng
Chị Nguyễn X.H (trú tại quận Thanh Xuân) từng là nhà đầu tư lớn của một mạng kinh doanh “tiền ảo” kể lại phi vụ mình đã mắc lừa leader (tạm dịch: người dẫn dắt) tên Nguyễn T.A. một cách ngoạn mục. “Tất cả chỉ vì chúng tôi quá tin vào vẻ bề ngoài của gã” – chị H. than thở.
Được biết Nguyễn T.A. – từng tổ chức, dẫn dắt hàng ngàn người tham gia sàn Hexacoin, rồi đến Group Fly Connect. Trên mạng, hay ở ngoài, đối tượng luôn khoe khoang sự giàu có, thành công khi gã tham gia các sàn buôn bán “tiền ảo”…
Người mới tiếp xúc với gã đều phải choáng váng trước hình ảnh trụ sở giao dịch với những dàn máy tính “khủng”, với siêu xe và hàng trăm cục tiền mệnh giá cao được gã rải trên giường ngủ cùng những tài khoản “khủng” đang giao dịch trên thị trường. Ngoài ra gã cũng cho mọi người biết gia đình cũng rất gia thế với biệt tự to uỵch ở quận trung tâm, đang kinh doanh nhiều mặt hàng “hot”.
Một buổi chia sẻ về tiền ảo
Tất cả những “nhà đầu tư” khi thấy “phông bạt” như thế đều yên tâm, nghĩ rằng người như vậy ai đi lừa và nếu như có lừa thì kéo đến nhà nó làm loạn lên. Nhưng có ai ngờ được rằng, sau khi ôm hàng tỷ đồng, gã đã chuồn mất. Còn gia đình phủi tay: “Nó làm gì các vị thì đi tìm nó mà đòi”.
Theo tố cáo của chị H. và nhiều nhà đầu tư khác, đầu tháng 3-2018 T.A. có post bài viết huy động vốn trên Group Fly team ICO và trên Facebook cá nhân với 2 gói đầu tư 1.000 USD và 2.000 USD (tương đương gói 23 và 46 triệu đồng). Hình thức nhận tiền là chuyển khoản qua ngân hàng. Đối tượng cũng cam kết sẽ trả lãi 2 đợt/tháng và cam kết sẽ hoàn vốn 100%. T.A. cũng tuyên bố chỉ nhận tối đa 10 người tham gia, gọi đây là “thuyền 1”. Hoa mắt trước lãi suất 180-200%/năm, rất nhiều người ào ào đổ tiền vào tham gia.
Sau đó, T.A. còn tiếp tục kêu gọi thêm “thuyền 2”, “thuyền 3” để huy động thêm hàng trăm nhà đầu tư khác, số tiền mà gã thu về lên đến nhiều tỷ đồng. “Thuyền” chạy được 2 tuần thì các nhà đầu tư đều rất hoan hỷ khi nhận được lãi suất đợt 1. Nhưng khi đến đợt 2 thì không thấy được trả lãi nữa. Mọi liên lạc với T.A. như qua điện thoại, Facebook… đều bất thành. Một số người mò lên công ty thì tá hỏa phát hiện chỉ còn là một căn nhà trống hoác, không có bóng dáng nhân viên, giám đốc lẫn đồ đạc gì cả.
Vài ngày sau, bất ngờ các nhà đầu tư thấy một tài khoản Facebook nói là bạn của T.A. cho biết đối tượng bị tai nạn giao thông, đang nằm trong bệnh viện. Mãi sau này mọi người mới biết rằng đó chỉ là màn kịch trì hoãn sự truy tìm của các nhà đầu tư. Trong thời gian đó, T.A. đã xóa sạch dữ liệu trên mạng xã hội cũng như website giao dịch, đồng thời bỏ trốn ra một huyện ngoại thành. Tìm đến nhà T.A. thì bố mẹ anh ta cũng không biết con đang ở đâu (!?). Thứ duy nhất mà các nhà đầu tư nhận được là một email của T.A. nói rằng do có khó khăn nên hứa sẽ trả lại tiền cho mọi người trong vòng vài tháng đến… 1 năm.
Còn theo nhà đầu tư M.H. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), người xưa có câu: “trông mặt mà bắt hình dong” nhưng khi mang tiền đi đầu tư thì vẻ bề ngoài chỉ mang tính chất… tham khảo. Bởi gần như tất cả đám leader đều rất chịu khó đầu tư, tạo hình ảnh thật lung linh, hoành tráng, mà thuật ngữ chuyên môn trong nghề gọi là “phông bạt”.
Huy P. – leader của một team chuyên buôn tiền ETH – cũng nổi danh về sự giàu có, tài năng. Ngay lần đầu gặp, Huy P. đã rủ anh H. tham gia team của gã. Và gã hứa chắc nịch: “Em sẽ training cho anh phương pháp… chơi là thắng!?”.
Theo Huy P., có 3 yếu tố quyết định trong đầu tư “tiền ảo”, đó là tâm lý, nguồn vốn và phương pháp. Yếu tố tâm lý đc coi là quan trọng nhất, chiếm 70% thắng bại vì khi tâm lí bất ổn định, quá vui hoặc quá buồn đều dẫn đến sự vội vàng, quyết định dễ sai lầm. “Anh phải hiểu là mình đang đầu tư chứ không phải là đánh bạc nên để tâm lí thoải mái nhất có thể, đánh như không đánh, mất không áp lực, thắng không quá sung, kiếm tiền phải thấy sướng chứ không như ngồi trên đống lửa…” – gã nhấn mạnh.
Nghe bùi tai và tin vào vẻ ngoài hoánh tráng của Huy P., nhà đầu tư M.H đã ném hết số tiền hai vợ chồng tích lũy hàng chục năm để đầu tư vào team của gã và cuối cùng mất sạch.
Một “ông trùm” cầm đầu đường dây lừa đảo đầu tư “tiền ảo” bị bắt giữ. |
Theo khảo sát của chúng tôi, mặc dù trên thế giới, “tiền ảo” đang có những phiên giảm giá trị nhưng ở nước ta, kinh doanh “tiền ảo” vẫn đang được nhiều đối tượng tung hô. Liên tiếp các hội nhóm được lập ra, chào mời người dân tham gia để kiếm tiền rất nhanh, chỉ bằng một khoản đầu tư nhỏ.
Và trong hầu hết các hội nhóm đầu tư “tiền ảo” hiện đang hoạt động, kẻ dẫn dắt luôn là một thanh niên (hoặc trung niên) có vẻ ngoài bảnh chọe, rất hoạt ngôn. Các đối tượng này thường phủ lên người những “phụ kiện” đắt tiền nhằm gây niềm tin cho các nhà đầu tư về tiềm lực tài chính của chúng. Chúng cũng hết sức chú ý việc xây dựng hình ảnh hào nhoáng, giàu có trên mạng Internet để dễ bề hoạt động. Thực tế, đã có hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư “chết” vì thứ phông bạt này, cứ ném tiền thật cho các đối tượng để lấy những con số nhảy múa trên mạng. Và sau đó thì đường dây… sập, nhà đầu tư trắng tay.
Nhà đầu tư H.A., sau một thời gian ném tiền vào sàn WCI coin mới phát hiện ra quá khứ không lấy gì làm hay ho của leader. “Chừng một năm trước đối tượng vốn chỉ chuyên dắt xe của một quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Có dạo gã định móc tiền trong cốp xe của khách, bị một trận đòn tơi tả… Vậy mà bẵng đi một thời gian, trông gã như một hotboy với mái đầu “under cut”, luôn mặc sơ mi trắng cổ cồn, hai tay hai điện thoại xịn, trong túi quần lúc nào tiền cũng hàng quyển. Và mỗi câu status gã thở ra trên mạng Facebook là có hàng ngàn like, hàng trăm comment cùng với đại ý khen ngợi, muốn xin một cơ hội làm giàu” – H.A. kể lại.
Các website, apps giả mạo
Nếu như có không ít nhà đầu tư theo kiểu bầy đàn, thấy người khác chơi là cũng lao theo, dù mù tịt không hề có tí kiến thức nào và cuối cùng đều dính bẫy của những leader thì cũng có những nhà đầu tư “độc lập”, có kiến thức hơn, tự lên mạng mua “tiền ảo” của nước ngoài để buôn bán. Tuy nhiên, nếu thiếu cảnh giác thì rất dễ mất tiền bởi các trang web giả mạo.
Một buổi sáng nhà đầu tư P.V.M. nhận được email từ sàn giao dịch CoinDesk, mời tham gia với những lời quảng cáo đang trong dịp khuyến mãi lớn. Truy cập vào đường link trong email này, rồi tiếp tục đăng nhập vào ví điện tử từ trang web kia dẫn dụ, khoảng 30 phút sau nhà đầu tư này tá hỏa khi thấy toàn bộ số tiền trong ví của mình đã bốc hơi, tổng số tiền lên tới hơn 350 ngàn USD.
Làm việc với một chuyên gia bảo mật, M. mới phát hiện cái bẫy tinh vi mà mình vừa bị dính. Trong email gửi đến anh bị dẫn dụ vào sàn CoinDesk giả mạo. Hacker rất tinh vi khi tên miền được sửa từ “CoinDesk.com” thành “CoinDes,k.com” (chỉ khác nhau một chút xíu ở chữ “s”).
Ở trang web giả mạo đó anh M. tiếp tục bị hấp dẫn bởi thông tin: “Trong dịp khuyến mại, bạn sẽ được nhận thêm 0.5 EOS cho mỗi đồng EOS đang sở hữu và 10 EOS cho mỗi đồng ETH đang sở hữu”. (EOS, ETH là các loại “tiền ảo” đang được giao dịch trên thị trường quốc tế).
Ông chủ Fly Connect cam kết lãi suất 170-200%/ năm khiến nhiều nhà đầu tư “hoa mắt”. |
Khi đăng nhập vào ví điện tử mà trang web kia cung cấp, bị hại tiếp tục bị lừa khi đó cũng là trang web giả mạo (cũng với thủ đoạn sửa 1 ký tự trong tên miền). Chỉ chờ có vậy hacker sẽ có được “private key” để toàn quyền sử dụng ví mà nạn nhân dùng để lưu các đồng ETH, EOS… Từ đó hacker có thể chuyển toàn bộ số tiền mà nạn nhân đang có sang tài khoản của hacker.
Một chuyên gia thuộc công ty bảo mật Cyradar cho chúng tôi biết, hiện tượng lừa đảo thông qua việc thay đổi một ký tự unicode trong tên miền của website ngày càng trở nên phổ biến. Cách lừa đảo như trên được lựa chọn vì tính “hiệu quả” của nó, đặc biệt khi nạn nhân sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) để truy cập. Trên điện thoại, do màn hình nhỏ nên nạn nhân rất khó phát hiện các tên miền trên là giả mạo.
Để che mắt người dùng, các ứng dụng giả mạo này thường cung cấp đầy đủ các thông tin về nhà phát triển, icon, logo và giao diện người dùng để tránh sự nghi ngờ, thậm chí nó còn được rating (đánh giá) khá cao.
Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, qua công tác trinh sát, Cơ quan công an nắm được hoạt động đầu tư, mua bán “tiền ảo”, huy động vốn qua phát hành “tiền ảo” (ICO), nhất là hoạt động sử dụng “tiền ảo” để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Hiện pháp luật Việt Nam đã có chế tài đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng “tiền ảo” với tư cách là phương tiện thanh toán. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử lý hành chính, hoặc hình sự. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi “tiền ảo” không phải là phương tiện thanh toán.
“Theo đó, nếu sử dụng “tiền ảo” như là các hoạt động dân sự khác, hoạt động kinh doanh khác thì vì chưa có văn bản quy định cấm nên đương nhiên người dân, doanh nghiệp sẽ được làm” – vị này cho biết thêm.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân trước bất cứ lời mời chào đầu tư hấp dẫn nào, cần tỉnh táo để tìm hiểu bằng cách tra cứu thông tin hoặc hỏi các nhà tư vấn kinh tế có kinh nghiệm, tránh trở thành miếng mồi ngon của các đối tượng lừa đảo.