“Trong những tháng đầu năm, tình trạng vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng nhập lậu ngày càng gia tăng. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, giá thành rẻ, nhiều chủng loại và mẫu mã sản phẩm. Nhóm hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bia rượu, nước giải khát, bánh kẹo, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu,…”, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết.
Theo Chi cục QLTT thành phố, với nhóm hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, tình trạng hàng nhập lậu ngày càng tăng mạnh và khó kiểm soát.
Mới đây, Đội QLTT 4A kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH TM DV Dược phẩm Bình Phú (phường Tân Phong, quận 7), phát hiện tại đây kinh doanh, chứa trữ 1.705 hộp thực phẩm chức năng Collagen các loại, gồm: BP Collagen Flavone, BP Collagen Pine (xuất xứ Hàn Quốc), nhãn hiệu Hankook Anderson và hình trùng với nhãn hiệu HK Anderson và hình. Đội QLTT 4A lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.
Tại Công ty TNHH Thương mại Hoàn Đạt (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân), Đội QLTT 1A kiểm tra phát hiện, tạm giữ 1,1 tấn wax sáp nhân tạo paraffin không rõ nguồn gốc xuất xứ và 297,2 tấn hóa chất các loại doanh nghiệp chưa xuất trình hóa đơn chứng từ…
Số lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm bị Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện, đem tiêu hủy.
Có thể thấy, trong các nhóm hàng có vi phạm gian lận về thương mại, thì nhóm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng có tỷ lệ vi phạm đặc biệt lớn.
Chỉ riêng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, kiểm tra từ đầu năm đến nay, đối với mặt hàng mỹ phẩm kiểm tra 142 vụ, chỉ phát hiện 1 vụ không có vi phạm.
Dược phẩm kiểm tra 45 vụ, cũng chỉ phát hiện 1 vụ không sai phạm. Tương tự, kiểm tra 34 vụ về thực phẩm chức năng, cũng chỉ có 1 vụ không vi phạm. Chi cục QLTT tạm giữ số lượng hàng hóa vi phạm gồm: 1.009kg, 110 lít và 254.477 sản phẩm mỹ phẩm; 440.548 viên và 10.364 đơn vị sản phẩm tân dược; thu giữ 55.440 viên và 17.634 sản phẩm thực phẩm chức năng.
Số tang vật bị thu giữ có những vi phạm: không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, hết hạn sử dụng, hàng ngoại nhập nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc thông tin trên nhãn sản phẩm không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định.
Nói về nguyên nhân khiến hàng giả, hàng lậu các mặt hàng trên ngày càng tăng mạnh, một cán bộ Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu ngày càng tinh vi để đối phó vớ cơ quan chức năng.
Cụ thể, các đối tượng cất giấu hàng hóa tại kho và khi kinh doanh không có trưng bày tại cửa hàng mà quảng cáo, giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website.
Nguồn hàng hóa được đối tượng đặt mua từ các website nước ngoài, sau đó xách tay về Việt Nam kinh doanh trà trộn với hàng nhập khẩu chính ngạch có đầy đủ chứng từ nhập khẩu theo quy định. Những thủ đoạn này của các đối tượng đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trong khi đó, nhân sự QLTT còn mỏng, thiếu trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, nên khi kiểm tra kinh doanh qua mạng điện tử chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới xử lý phần lớn các trường hợp website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Việc kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng diễn ra công khai, nhưng BQL chợ, trung tâm thương mại không nhắc nhở, xử lý và cũng không phối hợp với lực lượng kiểm tra nên tình trạng này khó đẩy lùi. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình xử lý.
Để công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả, bên cạnh việc khắc phục những tồn đọng, yếu kém kể trên, tại Hội nghị sơ kết công tác QLTT 6 tháng đầu năm 2018, đại diện Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 và Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015.
Bởi việc xử lý hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu tại 2 nghị định vừa kể, quy định xử phạt được tính theo trị giá hàng hóa vi phạm trong khi tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế), mức phạt tiền tối đa chỉ đến 20 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra 10.560 vụ, phát hiện 3.037 vụ vi phạm, trong đó có 463 vụ buôn bán hàng giả; 153 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; 771 vụ vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn, quản lý hóa đơn, website bán hàng,… Chi cục QLTT đã xử phạt 2.211 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 63,6 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng và hàng hóa tiêu hủy hơn 40,8 tỷ đồng. Chi cục QLTT đã chuyển cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh 7 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng.