Đầu tháng 5/2018, sau một thời gian dài chờ đợi, doanh nghiệp trong ngành du lịch đã có thể “thở phào” khi Thủ tướng quyết định tiếp tục miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu, gồm: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia (vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2018). Thời gian miễn hạn lần này cũng được tăng từ 1 năm thành 3 năm. Quyết định có hiệu lực từ 1/7/2018.
Chính sách visa đã nhiều lần được nhắc đến như một nút thắt cổ chai đối với du lịch. Nguyên nhân chính sách này tại Việt Nam khắt khe hơn nhiều các nước trong khu vực. Hiện chỉ có công dân 24 nước được miễn thị thực tại Việt Nam.
Trong khi đó, Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước, Malaysia là 162 nước, Singapore hay Philippines là 159 nước còn Thái Lan đang miễn cho 57 nước.
Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh nói rằng việc thời gian gia hạn visa được kéo dài là một chính sách rất tốt của Chính phủ trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh du lịch.
Cụ thể, chính sách này cho phép doanh nghiệp du lịch, hàng không lập kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn một chút so với trước đây là gia hạn thường niên.
Điều này cũng thể hiện thái độ mở cửa, chào đón khách đến Việt Nam cũng như là tiền đề tốt để tiếp tục nghiên cứu các chính sách du lịch tiếp theo.
Về thị trường Tây Âu, ông chủ Tập đoàn Thiên Minh cho biết hiện Việt Nam mỗi năm tiếp đón 1 triệu khách.
“Các thị trường này có sức chi trả rất là cao, thời gian lưu trú dài, tăng trưởng ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị và thực sự là thị trường mà hầu hết các quốc gia du lịch trong khu vực đều muốn nhắm đến”, ông nói.
Theo thống kê, 3 năm trở lại đây, khách từ thị trường này nhờ chính sách miễn thị thực (dù gia hạn từng năm một) đã tăng trưởng tốt, ổn định, trên 10%. Dù vậy, nếu so sánh với các nước đang cạnh tranh như Thái Lan thì vẫn còn rất khiêm tốn, theo ông Kiên.
Tuy nhiên, ông chủ Thiên Minh cũng tự tin bày tỏ nếu chính sách visa được cởi mở, đi kèm việc đảm bảo công tác xúc tiến, quảng bá, cải thiện môi trường,… Việt Nam có thể cạnh tranh được.
Theo thông tin từ Ban IV, hiện tại, việc xúc tiến ở tầm quốc gia đã được làm nhiều tại thị trường Tây Âu. Đơn cử như World Travel Market tháng 11, hội chợ du lịch ITB tại Đức tháng 3, thậm chí đã có những hoạt động quảng bá dài hơi tới năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư mạnh vào trang thông tin điện tử quảng bá mới về du lịch Việt Nam là trang portal.travel. Nhờ vậy, chất lượng trang thông tin đang được cải thiện, lượng truy nhập tăng. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng 2 năm tới hy vọng sẽ đạt ngưỡng truy nhập ngang với những trang của Singapore, Thái Lan.
Bên cạnh đó, thời gian qua Tổng cục Du lịch cũng đã tổ chức roadshow tại 4 thành phố mới: Zurich (Thụy Sĩ), Vienna (Áo), Praha (Séc) và Budapest (Hungary).
Với những hoạt động này, các doanh nghiệp trong ngành du lịch tin rằng hiệu quả hiệu ứng sẽ xảy ra vào các năm tiếp theo.