Xu thế nhập khẩu trái cây từ Thái Lan, tái xuất sang Trung Quốc

Trong năm 2017, đã có 0,9 tỷ USD hoa quả xuất khẩu có xuất xứ từ Thái Lan được doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó được tái xuất sang Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng trị giá xuất khẩu hoa quả.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và Asean (Tổng cục Hải quan) đưa ra tại Hội thảo hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 28/6.

Theo đó, đánh giá tổng quan tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, ông Hùng cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 26/6 của Việt Nam đạt 218,35 tỷ USD, ước tính giá trị xuất nhập khẩu trong 2 quý đầu năm đạt 225,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu ước đạt 111,36 tỷ USD, tăng 10,2%. Thặng dư cán cân thương mại đạt 2,57 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018.

Điểm nổi bật trong xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam, theo ông Hùng là tăng trưởng xuất khẩu đã giảm dần từ đầu năm 2018 đến nay. Mức giảm lần lượt theo các tháng (từ tháng 1 đến tháng 6) là 40,4%, 25,4%, 24,4%, 19,1%, 17,3% và 16,1%.

Tháng 3/2018, xuất khẩu đã cán mốc kỷ lục, đạt 21 tỷ USD. Cùng với đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu không thay đổi nhiều, 1000 doanh nghiệp lớn nhất có giá trị xuất khẩu chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

“Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 30% so với năm 2017 và xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng xuất khẩu. Hàng hóa thành phẩm xuất khẩu có tỷ trọng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu cao, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…”, ông Hùng nhận định.

Một điều đáng lưu ý trong đánh giá của đại diện Tổng cục Hải quan là mặt hàng rau quả các loại, đặc biệt là hoa quả trong thời gian vừa có tốc độ tăng ấn tượng. Cụ thể, trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu rau quả các loại đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng mạnh 42,4% so với năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả đạt trị giá 1,66 tỷ USD, tăng 19,3% so với 2017.

Ông Hùng cho rằng, nguyên nhân khiến rau quả xuất khẩu của Việt Nam tăng ấn tượng là do các doanh nghiệp Việt nhập khẩu hoa quả có xuất xứ từ thị trường Thái Lan (như nhãn, sầu riêng, măng cụt,….), sau đó tái xuất các loại hoa quả này, gần như 100% xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

“Trong năm 2017, có gần 0,9 tỷ USD hoa quả xuất khẩu có xuất xứ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam và sau đó tái xuất sang Trung Quốc, chiếm gần 1/4 tổng trị giá xuất khẩu hoa quả. Còn 5 tháng đầu năm nay, hoa quả Thái Lan chiếm 15% trong 1,66 tỷ USD rau quả xuất khẩu từ Việt Nam. Xu thế này đã có từ năm 2014, 2015, 2016 và hiện nay vẫn còn tiếp tục”, ông Hùng nhấn mạnh.

Dự báo và triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 2 con số, có thể cao gấp hai lần tăng trưởng GDP. Cụ thể, xuất khẩu ước đạt 240-242 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 475-477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017, đồng thời tiếp tục thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức thấp.

Năm 2019, dự báo xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 500 tỷ USD trong tháng 11/2019 và cả năm 2019 xuất nhập khẩu có thể đạt 525 tỷ USD, trong đó xuất khẩu có thể đạt 265 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, tăng 50 tỷ USD so với 2017. Đến năm 2020, ước tính có 100.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Vải thiều sấy khô xuất buôn 30.000 đồng/kg đắt khách

Bài viết mới