Tại sao quy luật tăng trưởng trong năm 2018 khác biệt với các năm trước đó?

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 vào sáng nay, 29/6. Theo ghi nhận, nửa đầu năm 2018 tăng trưởng đạt 7,08% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, quý I tăng 7,45% (điều chỉnh tăng thêm 0,07 điểm % so với lần công bố ngày 29/3), quý II tăng 6,79%. GDP 6 tháng đầu năm là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.

Tại sao quy luật tăng trưởng trong năm 2018 khác biệt với các năm trước đó? - Ảnh 1.

Mức tăng GDP 6 tháng đầu năm qua các năm

Điểm sáng của kinh tế 6 tháng nằm ở việc nông nghiệp đã phục hồi với mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 – 2018, với mức tăng 3,28%.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò của mình. Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp nhận định rằng sản xuất công nghiệp đang giữ vai trò quyết định cho toàn nền kinh tế Việt Nam. Ngành chế biến chế tạo đang tăng trưởng hết sức mạnh mẽ với mức tăng 13,02%, cao nhất trong 7 năm gần đây.

Một điểm sáng khác nằm ở khu vực dịch vụ với mức tăng nửa đầu 2018 đạt 6,9%, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Trong đó, số liệu cho thấy sự tăng vượt bậc của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ với mức tăng 8,21% so với cùng kỳ. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng có đóng góp lớn nhất định.

Dù vậy, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ ra một số lưu ý đối với nền kinh tế. Một trong những điểm đáng chú ý là sự thay đổi quy luật tăng trưởng. Ông Lâm cho biết ở tăng trưởng của các năm trước, quy luật chung thường là quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng ở năm 2018, các con số đã chứng minh điều ngược lại.

Tại sao quy luật tăng trưởng trong năm 2018 khác biệt với các năm trước đó? - Ảnh 2.

GDP các quý từ năm 2012 – 6 tháng đầu năm 2018

Ông Lâm giải thích là bởi khu vực của nền kinh tế có sự tăng chậm lại trong nửa sau của năm 2018.

Đơn cử như ở ngành công nghiệp, 6 tháng cuối năm có thể tăng trưởng chậm lại do khai khoáng giảm do điều kiện thời tiết về cuối năm mưa bão nhiều, không thuận lợi. Ngành chế biến chế tạo với những sản phẩm linh kiện điện tử, quang học cũng được dự kiến tăng chậm hơn.

“Samsung dự kiến trong 6 tháng cuối năm có sản phẩm mới nhưng do mức nền của 6 tháng cuối năm 2017 rất cao nên tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 sẽ khó lòng vượt qua được”, ông Lâm nói.

Trong khi ở các năm trước đó, các quý sau thường có sự phục hồi hoặc có nhân tố đột biến so với quý trước đó. Ví dụ, quý I, II năm 2017 ghi nhận sự phục hồi dần của nông nghiệp so với năm 2016 do biến động về thiên tai. Hay trong quý II/2017 lại có sự tăng đột biến của ngành công nghiệp sản xuất do Samsung đã tung ra sản phẩm mới.

“Kế thừa mức tăng trưởng cao của năm 2017, sang năm 2018 mọi điều kiện đều khá thuận lợi nhưng do không có điểm đột biến nên về cơ bản, các nhóm ngành vẫn có sự tăng trưởng tuy nhiên, không được như trước đó”, ông Lâm nói.

Vì vậy, các quý sau của năm 2018 vẫn tăng trưởng nhưng không còn theo quy luật quý sau cao hơn quý trước nữa. Tổng Cục trưởng Lâm cũng nhận định quy luật này sẽ chỉ diễn ra trong năm 2018.

Ngoài ra, vị này còn lưu ý một số điểm tồn đọng khác của nền kinh tế như lạm phát tuy đang được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng cao so với mục tiêu của Quốc hội. Mức độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm hay Việt Nam đang đặc biệt nhập siêu từ các nước có ký hiệp định FTA trong khi mục tiêu ký FTA phải là xuất siêu.

Mặt khác, diễn biến bất định của thế giới đặt ra nhiều rủi ro cho Việt Nam khi đang có độ mở rất cao, dễ bị tổn thương do các yếu tố bên ngoài.

GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 7,08 cao nhất từ năm 2011

Bài viết mới