Tháng 5 vừa qua, đoàn kiểm tra của EC đã sang kiểm tra thực tế tình hình khắc phục các khuyến nghị, xem xét việc gỡ “thẻ vàng” cho hải sản xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay “thẻ vàng” vẫn chưa được gỡ. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả này?
Trong 6 tháng triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC, Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, hoàn thiện văn bản pháp luật. 9 khuyến nghị của EC đã được đưa vào Luật Thuỷ sản. Đây là nỗ lực rất cao để hình thành khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết định tập trung chỉ đạo đồng bộ, 28 địa phương ven biển, ngư dân… đã vào cuộc quyết liệt.
Tuy nhiên, 6 tháng không phải là khoảng thời gian để chúng ta xoay chuyển được tình thế từ một “nghề cá nhân dân” sang một nghề cá khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Đây là đòi hỏi tất yếu của bất kỳ quốc gia nào khi bị EC cảnh cáo “thẻ vàng”. Đến nay, không có nước nào gỡ được “thẻ vàng” sau 1-2 năm.
Theo Bộ trưởng, trong nửa cuối năm, việc “thẻ vàng” tiếp tục duy trì có gây ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU không?
Hiện vấn đề “thẻ vàng” không gây lo ngại đến thị phần xuất khẩu thủy sản, bởi Việt Nam đang có rất nhiều thị trường.
Chúng ta phải phấn đấu để có một nghề cá bền vững. Đây là mục tiêu cao cả, xa hơn của Việt Nam, phải tự phấn đấu để đạt mục tiêu đó chứ ko phải chỉ vì việc EC rút “thẻ vàng”. Vì vậy, cần tái cơ cấu lại ngành thuỷ sản. Một mặt phải tổ chức lại sản xuất, quan trọng hơn là đi sâu vào chế biến để chuỗi giá trị mang lại nhiều hơn, cùng với đó, sẽ tập trung tổ chức nuôi xa. Đây mới là giải pháp bền vững chứ ko phải cứ ra khơi khai thác tài nguyên.
Nửa cuối năm nay là khoảng thời gian quan trọng để Việt Nam tiếp tục khắc phục các khuyến nghị từ EC, tạo đà cho việc EC quay trở lại kiểm tra, xem xét gỡ “thẻ vàng” vào tháng 1/2019 tới. Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là những giải pháp trọng tâm được hướng tới?
Đợt kiểm tra của phái đoàn EC vừa qua cho thấy, EC đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, với khối lượng công việc còn rất lớn, kể cả về khai thác bền vững, về trách nhiệm của ngư dân, tổ chức thực thi pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật…, thời gian tới cần tiếp tục cố gắng.
Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, tới đây sẽ tiếp tục ra những văn bản, nhất là các chương trình hành động để các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn. Cụ thể như, phải quyết liệt thay đổi tập quán đánh bắt khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm từ khai báo, sổ sách, ngư trường; giải quyết bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu… Nói chung, trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rõ hơn thì mới mong muốn EC sớm gỡ “thẻ vàng”.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Liên quan tới vấn đề đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017-23/4/2018).
Hết thời hạn 6 tháng, từ ngày 15-24/5/2018, đoàn làm việc của EC đã sang Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục các khuyến nghị trước đó, xem xét việc gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Kết quả, sau đợt kiểm tra này, dù ghi nhận nhiều kết quả mà Việt Nam đạt được xong “thẻ vàng” vẫn chưa được gỡ bỏ. Dự kiến, tháng 1/2019 tới, EC sẽ quay lại Việt Nam để xem xét lại việc khắc phục “thẻ vàng”.