Bà cụ 82 tuổi quyên tiền để phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt ba năm nay ở Hà Nội

Dưới cái nắng hầm hập của một trưa hè Hà Nội, không khí trong Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương lại như quánh đặc hơn khiến người ta muốn thoát khỏi đó thật nhanh. Thế nhưng một cụ già tóc bạc phơ, bước từng bước chậm rãi đi theo phía sau một xe đẩy, ân cần đưa từng hộp cháo cho những cảnh khốn cùng.

Hình ảnh khiến hành lang bệnh viện trở nên đỡ ngột ngạt, đỡ xám xịt hơn, vẽ lên gương mặt khổ đau vài nét tươi vui hay làm bật lên trong sự oi bức vài nụ cười hạnh phúc.

Bà cụ 82 tuổi quyên tiền để phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt ba năm nay ở Hà Nội - Ảnh 1.

Cụ Ngô Thị Khánh.

Người đẩy xe cháo là cụ Ngô Thị Khánh (82 tuổi, trú phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mỗi lần trao một bát cháo hay một suất cơm vào tay một bệnh nhân nghèo, cụ lại nở một nụ cười phúc hậu và chúc người đó mau khỏi. Nếu có ai nói cảm ơn thì cụ lại xua đi và bảo “Ơn huệ gì, anh chị mau khỏi là tôi mừng rồi”.

Một cán bộ bệnh viện cho chúng tôi biết: “Dù già rồi, đi cũng không vững nữa nhưng tháng nào cụ cũng đến bệnh viện phát cơm. Một tháng, quỹ từ thiện Đồng Tu của cụ và những người bạn ủng hộ đều đặn 150 suất ăn co các bệnh nhân nghèo điều trị tại đây. Ngoài bệnh viện HH, cụ còn phát suất ăn ở Bệnh viện Nhi Trung ương nữa”.

Lời nhờ cậy của một thiên thần!

Chờ cụ phát hết 150 suất ăn trưa cho các bệnh nhân, chúng tôi đã đến hỏi han sức khỏe và công việc cũng như cuộc sống của cụ.

Bà cụ 82 tuổi quyên tiền để phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt ba năm nay ở Hà Nội - Ảnh 2.

Cụ Khánh đang phát suất ăn tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Cụ Khánh cho biết mình từng làm trong ngành địa chất, hiện đang sống trong một khu tập thể ở phía sau Bách hóa Thanh Xuân cũ cùng cháu trai. Cụ có 3 người con trai, đều đã thành đạt, có người bây giờ cũng đã lên chức ông. Mặc dù lớn tuổi nhưng cụ vẫn khá minh mẫn, không bệnh tật gì, cụ vẫn tự túc mọi việc, không làm phiền con cái, sống bằng lương hưu của mình.

Khi nhắc đến hoạt động từ thiện, cụ tỏ ra tiếc nuối vì mình bắt đầu công việc này muộn quá. Năm 2015, cụ gặp một bệnh nhi “thiên thần”, cháu bé đó đã khiến cụ chạnh lòng và nghĩ rằng mình phải đi làm từ thiện.

Bà cụ 82 tuổi quyên tiền để phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt ba năm nay ở Hà Nội - Ảnh 3.

Cụ Khánh đang phát cháo tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cụ Khánh tường thuật lại cuộc trò chuyện của mình với bệnh nhi giấu tên từ 3 năm trước:

Bệnh nhi: Con đưa bà 10 nghìn đồng, nhờ bà mua giúp 2 em nhỏ hơn con mỗi người một gói bim bim nhé.

Cụ Khánh: Ở đây có nhiều em nhỏ hơn con lắm, vậy biết mua cho ai?

Bệnh nhi: Thì bà mua cho 2 em nhỏ nhất ạ.

Cụ Khánh: Em nhỏ nhất thì chưa ăn được bim bim đâu, bà mua cho 2 em 4 tuổi đằng kia nhé.

Bệnh nhi: Vâng ạ, con cảm ơn bà!

Cụ Khánh: Nhưng sao con không nhờ bố mẹ đi mua?

Bệnh nhi: Con sợ mọi người biết, cụ đừng nói cho ai nhé.

Cụ Khánh: Ừ, bà đi mua và không nói cho ai đâu, con chóng khỏi nhé.

Bệnh nhi: Con cảm ơn bà ạ!

Sau cuộc nói chuyện, cụ Khánh thấy chạnh lòng khi một bệnh nhi 7 tuổi đã nghĩ đến chuyện san sẻ những điều tốt đẹp của mình cho người khác. “Tôi bỗng thấy mình mắc nợ cuộc đời một điều gì đó. Suốt 20 năm kể từ khi nghỉ hưu, trời phú cho tôi một cuộc sống khỏe mạnh, lành lặn, thế nhưng tôi chưa san sẻ được gì với những hoàn cảnh bất hạnh khác. Kể từ đó tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phát cơm cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”, cụ Khánh nói.

Vì quá ấn tượng với bệnh nhi này, cụ đã ghi lại cuộc trò chuyện ngay trang đầu cuốn sổ thống kê tiền từ thiện của những hội viên Hội từ thiện Đồng Tu. Mỗi lần mở cuốn sổ, những lời nói của em bé lại nhắc cụ cố gắng hơn nữa để giúp đỡ được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn.

3 năm đi phát suất ăn từ thiện

Khi bắt đầu công việc từ thiện của mình, người duy nhất ủng hộ cụ chỉ có một mình cụ. Các con của cụ không ngăn cản, nhưng không đồng tình việc mẹ của mình già rồi mà lại cứ tự đi đi về về đến các bệnh viện. Họ muốn cụ chỉ cần quyên tiền cho bệnh viện, từ đó bệnh viện sẽ tự phân phối số tiền.

Bà cụ 82 tuổi quyên tiền để phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt ba năm nay ở Hà Nội - Ảnh 4.

Cuốn sổ ghi chép danh sách những người quyên góp trong Qũy từ thiện Đồng Tu.

Dù không ai ủng hộ nhưng cụ vẫn tự bắt xe buýt hoặc đi xe ôm đến bệnh viện để liên hệ việc phát cơm từ thiện. Thấy vậy, các con cụ không đành lòng, cắt cử một cháu trai ở cùng bà để tiện đưa đi đón về những hôm bà sang bệnh viện.

Rồi từ chỗ không ai ủng hộ, cả nhà con cái dâu rể của cụ quay sang ủng hộ mỗi người một ít. Kế đó, những người bạn bè lối xóm biết được việc làm của cụ cũng muốn tham gia. “Khi có nhiều người ủng hộ tiền, tôi phải lập một cuốn sổ để ghi lại. Già rồi, tay run ghi không đẹp, may mà còn đọc được”, cụ Khánh vừa nói vừa cười phúc hậu.

Qũy từ thiện của cụ từ chỗ chỉ có thành viên trong gia đình, sau 3 năm, hiện tại số lượng thành viên đã khá đông đảo. Có những thành viên từ Hải Dương, Hưng Yên… cũng liên hệ để tham gia.

Theo mức giá suất ăn của bệnh viện, dựa theo thống kê của bệnh viện về số lượng người cần được giúp đỡ, cụ sẽ cân đối điều chỉnh số tiền giữa các tháng. “Trung bình mỗi tháng một lần tôi đi phát ở bệnh viện 150 suất ăn, bệnh viện Nhi 200 suất ăn. Vì số tiền các thành viên quyên góp không ổn định giữa các tháng, khi thừa khi thiếu nên tôi phải cân đối, nếu thiếu thì lại bỏ thêm tiền vào để mua cho đủ chừng đó suất ăn”, cụ Khánh nói.

Cụ cho rằng mình rất may mắn khi có một cuộc sống khỏe mạnh, an vui. Vì vậy cụ luôn tâm niệm rằng phải chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn mình. “Mỗi lần tôi đưa cơm cho người ta, người ta cứ nói cảm ơn là tôi lại xua đi. Tôi thấy chính mình phải đi cảm ơn những người đó. Chia sẻ được một chú khó khăn với họ làm tôi thấy cuộc sống vui tươi và ý nghĩa hơn nhiều”, cụ Khánh chia sẻ.

Hiện tại, cụ đã nhận được rất nhiều giấy khen, sự ghi nhận của xã hội đối với việc làm của mình, cụ mong muốn việc làm của mình sẽ lan tỏa trong cộng đồng, để tạo hiệu ứng tích cực, san sẻ những khó khăn cho những người thiệt thòi trong xã hội.

8 lời khuyên có thể cứu mạng sống của bạn và người thân trong tình huống nguy hiểm

Bài viết mới