Khi nhắc đến CEO tập đoàn Trung Thủy, Nguyễn Trung Tín nhiều người trẻ biết đến anh là 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh năm 2015. Thế nhưng ít ai biết được ước mơ từ thủa bé của anh không phải là một doanh nhân mà là một kiến trúc sư.
“Trước đây ao ước của mình từ nhỏ là mình muốn thành một kiến trúc sư. Hồi bé đi theo bố, lúc bố xem những bản vẽ những tòa nhà, mình cũng vẽ theo. Khi tốt nghiệp lớp 12 mình đã nộp hồ sơ trường đại học kiến trúc bên Úc và được nhận vào rồi đồng thời cả trường kinh tế”, CEO Trung Tín chia sẻ.
Sau đó anh nhận được bức thư dài 2 trang của bố. Ông ủng hộ quyết định của Tín nhưng thẳng thắn nhận xét khả năng vẽ của anh không được tốt thậm chí vẽ hơi xấu. “Nếu con là một kiến trúc sư thì con mãi mãi đi thiết kế những tòa nhà cho những người khác. Nhưng nếu con học kinh tế và kinh doanh thành công thì con sẽ được dịp mời những kiến trúc sư giỏi thiết kế những tòa nhà cho con”, anh chia sẻ.
Vì vậy Trung Tín quyết định chọn con đường kinh tế. Tuy nhiên năm 2009 khi anh ra trường cùng lúc kinh tế thế giới suy thoái. Do đó việc tìm việc cũng rất khó khăn. Sau 6 tháng tìm việc tại Melbourn chỉ được nhận vào những vị trí bàn giấy (bank teller) của ngân hàng, Trung Tín quyết định về Việt Nam.
“Thời gian đầu về chưa có việc làm cũng may là gia đình có công ty. Bố mẹ mình nói ok vào công ty làm một thực tập sinh. Mặc dù mang chức danh là marketing intern nhưng công việc thực sự lúc đó là trợ lý của mẹ. Bất cứ cuộc họp nào mẹ có mình đều tham dự. Bố mẹ chắc có lẽ muốn nhồi nhét kiến thức qua các cuộc họp đó”, CEO này nhớ lại.
Như suy nghĩ của lẽ thường nhiều người sẽ nghĩ là công ty gia đình tại sao Trung Tín không vào những vị trí cao cấp được sắp đặt sẵn. Tuy nhiên anh thẳng thắn cho biết thời điểm này rất thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về nhiều mặt.
“Cho nên mình không có khả năng để vào các vị trí cao chưa nói là tổng giám đốc mà trưởng phòng cũng chưa có khả năng”, anh chia sẻ.
Sau thời gian làm việc tại Trung Thủy, anh rút lui và tự khởi nghiệp riêng bằng việc vay 10 tỷ đồng mở Sin Ultra Lounge – một mô hình F&B thành công sau 1 năm và hoàn trả được cả vốn, lãi và tiền thuê mặt bằng khoảng 13 tỷ đồng.
Sau thành công của Sin Lounge, Tín tiếp tục mở Ace Night – club theo phong cách hiện đại vào năm 2013. Đến cuối năm 2014, anh mở nhà hàng Mama chuyên kinh doanh ẩm thực Thái Lan. Bình quân 3 dự án này đón hơn 100 khách mỗi ngày và 700-800 khách dịp cuối tuần. Ngoài ra, Tín còn mở thêm công ty Hush Creative chuyên về thiết kế nội thất, marketing và tổ chức sự kiện. Gần đây nhất CEO này mở khu phức hợp Dreamplex nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh.
Dù được sự hậu thuẫn từ nền tảng gia đình nhưng nhờ việc chứng minh được năng lực thực sự nên Trung Tín được cử vào vị trí CEO thay cho bố vào năm 2014. Để làm được điều này theo anh cần phải lăn lộn vào cuộc sống và học hỏi không ngừng.
“Lúc đó mình cũng có may mắn có một người anh khuyên mình: Với những người còn mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa biết mình muốn gì, chưa biết mình thích gì, có khả năng gì thì hãy như cục mút tắm (sponge) trong xà phòng hút rất nhiều nước. Hãy như cục đó, hãy tiếp thu kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm và đừng quan tâm mình đang làm ở vị trí nào hay môi trường nào. Tiếp thu càng nhiều càng tốt đến một thời điểm nào đó các bạn sẽ biết mình làm gì, cần gì”, CEO Trung Tín chia sẻ.
Quan điểm học từ mọi thứ cũng được minh chứng rõ ràng hơn từ nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới như Richard Branson. Nhà sáng lập tập đoàn Virgin bỏ học từ năm 16 tuổi nhưng ông không ngừng việc học ở đó. “Có rất nhiều thứ trong đời mà chúng ta nghĩ dù có bao nhiêu cũng không đủ và giáo dục đứng đầu danh sách này“, ông nhấn mạnh.
Thậm chí khi còn nhỏ Richard Branson không bao giờ thực sự thích đi học. Với ông trường học không dễ dàng. Ông tự thấy mình không phải la một học sinh giỏi một phần do chứng khó đọc và một phẩn do bản chất hiếu động. Cậu bé không thể tập trung trong lớp và dành phần lớn thời gian ở trường để mơ mộng và thành lập nên các doanh nghiệp nhỏ mới.
Theo ông việc lấy được một tấm bằng chỉ là bước khởi đầu và nó không bảo đảm thành công. Bạn sẽ cần có đạo đức nghề nghiệp tốt và quyết tâm thành công nữa – cả trong cuộc sống và kinh doanh. Bạn cũng sẽ cần cả chút may mắn.