Ngày 11/06, Cục Quản lý dược Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc 4 sản phẩm của Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo bao gồm xà phòng thơm (nhãn hàng Lily), dầu gội (nhãn Mỹ Hảo), sữa tắm (nhãn hàng Dan) và dầu gội (nhãn hàng Tulip).
Trả lời trên báo chí, ông Lương Vạn Vinh – Tổng giám đốc của Mỹ Hảo cho biết các sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu, số lượng bán trong nước rất ít nên việc thu hồi rất đơn giản.
Quả thực, chỉ sau khi thông tin nói trên xuất hiện trên báo chí Việt Nam, cái tên Mỹ Hảo mới khiến cho người ta “sực nhớ lại” hình ảnh về chai nước rửa bát màu vàng chữ xanh ngày nào. Còn 4 sản phẩm xà phòng Lily, dầu gội Mỹ Hảo và Tullip, sữa tắm Dan thì chắc chắn rằng phần lớn những người dân thành phố chưa nghe đến bao giờ.
Ông Vinh cũng chia sẻ, hàng hóa mỹ phẩm của công ty hiện tại chủ yếu là xuất khẩu hởi vì trong nước không cạnh tranh nổi với các hàng trôi nổi giá rẻ và hàng nhập. Thị trường xuất khẩu của 4 sản phẩm này gồm: Triều Tiên, Mông Cổ, Iraq và một ít sang Lào, Campuchia. Riêng hàng dầu gội Mỹ Hảo chủ yếu bán qua nhà phân phối ở Lạng Sơn để tiêu thụ tại Trung Quốc.
Thế nhưng ngược trở lại những năm 1990, có lẽ không người tiêu dùng nào không biết đến Mỹ Hảo. Do thị trường còn khan hiếm hàng hóa, việc bán hàng đối với Mỹ Hảo vô cùng đơn giản và thương hiệu này được cho là chiếm đến 50% thị phần.
Khi bước chân vào Việt Nam, Unilever đã nhiều lần đến gặp ông Vinh đặt vấn đề mua lại Mỹ Hảo. Tập đoàn đa quốc gia đưa giá cao dần từ vài triệu USD rồi lên đến con số 30 triệu USD, nhưng ông Vinh từ chối. Vị doanh nhân này sau đó phải thừa nhận đã không lường được sức mạnh của đối thủ trong cuộc cạnh tranh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Sunlight của Unilever xuất hiện trên thị trường, doanh số bán hàng của Mỹ Hảo sụt giảm hơn một nửa và hệ thống phân phối ngày càng bị thu hẹp.
Còn đến nay, chai nước rửa bát Mỹ Hảo đã vắng bóng trên các kệ hàng tại thành phố. Trong nước, Mỹ Hảo tập trung đổ về nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi thu nhập của người dân còn thấp. Công ty cũng chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu như nói đến ở trên.
Câu chuyện của Mỹ Hảo vẫn thường được nhắc đến như một bài học đắt giá về thế yếu của doanh nghiệp Việt Nam trước đối thủ nước ngoài.
Doanh thu của Vĩnh Hảo có xu hướng đi ngang trong các năm gần đây nhưng biên lợi nhuận đang được cải thiện đáng kể
Tuy nhiên, trên thực tế nhãn hàng này đang có phong độ rất tốt. Số liệu từ công ty nghiên cứu VIRAC cho thấy, biên lợi nhuận gộp của Mỹ Hảo từ năm 2012 đến 2016 có sự thay đổi vượt bậc. Cụ thể, năm 2012, doanh thu thuần của Mỹ Hảo đạt 812 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 81 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp chỉ 10%. Nhưng qua các năm, tỷ lệ này liên tục tăng trưởng. Đến năm 2016, doanh thu thuần đạt 890 tỷ đồng thì lợi nhuận gộp lên tới 257 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gần 29%.
Năm 2016 cũng là năm có lợi nhuận trước thuế cao nhất của công ty với 130 tỷ đồng. Con số này lớn hơn của CTCP Bột giặt NET (104 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế của Mỹ Hảo tăng vọt kể từ năm 2015
Cũng trong lần trả lời báo chí về sự cố thu hồi sản phẩm, ông Lương Vạn Vinh cho biết, tính đến hết tháng 3/2018, tổng doanh thu của Mỹ Hảo đạt 240 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, tổng doanh thu của Mỹ Hảo đạt 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trên 100 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, lợi nhuận của Mỹ Hảo đạt trên 70 tỷ đồng, giảm so với 2016 do giá nguyên liệu tăng.
Có vẻ như chiến lược lui quân khỏi thị trường nội địa để khai phá những vùng đất mới mà nhu cầu dùng hàng bình quân đang rất lớn như Lào, Campuchia, Mông Cổ, Triều Tiên… đã đem lại kết quả tốt cho Mỹ Hảo.
Trong một bài phỏng vấn trước đây, ông Lương Vạn Vinh đánh giá, việc chinh phục thị trường Campuchia được coi là chiến tích đáng khâm phục của Mỹ Hảo. Chỉ sau vài năm thâm nhập thị trường, Mỹ Hảo đã xây dựng cho mình được chỗ đứng khá vững chắc với khoảng 20-30% thị phần nước rửa chén tại thị trường vốn rất ưa chuộng hàng Thái Lan này nhờ tận dụng tối đa sự thuận lợi về khoảng cách địa lý với nhiều cửa khẩu cũng như sử dụng chính người bản địa để phân phối hàng.
Cũng từ năm 2013, Mỹ Hảo đã đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền hiện đại tại huyện Bình Chánh, TP.HCM để mở rộng quy mô sản xuất từ 16.000 m2 lên 50.000 m2, tăng công suất sản xuất.
Vào năm 2017, thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam được phen xôn xao khi Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical thông báo đã chi 1.824 tỷ đồng (hơn 80 triệu USD) để mua lại 100% vốn của CTCP Á Mỹ Gia – công ty sở hữu các sản phẩm hóa phẩm tẩy rửa và vệ sinh gia dụng với các thương hiệu Gift, Ami, Redfoxx. Kết quả kinh doanh của Á Gia có phần kém hơn Mỹ Hảo khi năm 2016, doanh nghiệp này đạt 351 tỷ đồng doanh thu và 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Một số doanh nghiệp hàng tiêu dùng khác như CTCP Sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (ICP – với thương hiệu chủ lực là dầu gội X-Men) hay Công ty sản xuất băng vệ sinh Diana Việt Nam cũng từng được phía nước ngoài trả mức giá rất cao so với kết quả kinh doanh tại thời điểm diễn ra thương vụ.
Nhưng chỉ vài năm sau đó, dưới bàn tay của người chủ mới, các doanh nghiệp này đã tăng trưởng phi mã, mức giá ngày trước vốn được coi là đắt thì nay đã trở thành rẻ.