Báo cáo thường niên được Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp quốc (UBWTO) công bố hồi tháng 4 cho biết mức tăng chi tiêu của du khách Trung Quốc ở nước ngoài vượt mức tăng chi tiêu của du khách đến từ Mỹ, Đức, Anh và Pháp.
Trung Quốc và 4 nước này là top 5 quốc gia có người dân tiêu nhiều tiền nhất khi đi du lịch nước ngoài trong năm 2016.
Cụ thể, năm 2016, số tiền mà du khách Trung Quốc tiêu ở nước ngoài tăng thêm 11 tỷ USD, đạt 261 tỷ USD. Trong khi đó, người Mỹ chi tổng cộng 122 tỷ USD khi đi du lịch nước ngoài, chưa bằng một nửa nếu so với người Trung. Ở châu Âu, mức chi này lần lượt là 81 tỷ USD, 64 tỷ USD và 41 tỷ USD tương ứng với người dân các nước Đức, Anh, Pháp.
Người Trung Quốc ra nước ngoài, và chi bạo nhất vào mục đích mua sắm được minh chứng qua việc chiếm tỷ lệ 60% trong cơ cấu chi tiêu. Rolex, Gucci, LV, Chanel, Dior,… là tên những nhãn hiệu yêu thích của khách du lịch đến từ Trung Hoa.
Khách nhà giàu Trung Quốc còn ‘sộp’ hơn khách nhà giàu Âu, Mỹ, họ chi ít nhất 25 USD/bữa ăn trong khi khách Tây tối đa chỉ chi 15 USD, theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Hồng – Du ngoạn Việt.
Ở Việt Nam lượng du khách Trung Quốc trong thời gian qua đã tăng đột biến. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách đã đạt 2,65 triệu người.
Số liệu: Tổng cục Du lịch
Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 9/140 điểm đến nước ngoài được khách Trung Quốc đến nhiều nhất. Dù vậy, mức chi của những du khách này tại đây nhiều năm nay vẫn khiêm tốn.
Ông Xuân Anh cho biết nhà giàu Trung Quốc thích mua rượu mạnh, mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu, là những mặt hàng Việt Nam không có, nếu có thì họ lại không được tin tưởng là hàng thật. Vì vậy, ông cho rằng Việt Nam nên phát triển những sản phẩm có lợi thế như: trầm hương, ngọc trai, vàng bạc đá quý,… là thứ khách Trung Quốc rất thích.
GS. Xie Yuan Bo, Trường ĐH Quế Lâm, chuyên gia Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, nhận định khách Trung Quốc đông nên thị hiếu đa dạng, có 50% khách đi nước ngoài tự túc, không qua các công ty du lịch. Những điều khách Trung Quốc thích là WiFi miễn phí, thuê xe tự lái, thanh toán qua thẻ và phục vụ bằng tiếng Hoa.
Ông cũng kể tại Nhật Bản (đứng thứ 5 trong các điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc), để phục vụ những thượng khách này, các cửa hàng chỉ cần yêu cầu nhân viên biết tiếng Trung Quốc, trên áo người này có thêu chữ “tôi nói tiếng Trung Quốc phổ thông” và thời gian đợi để được phục vụ của khách là dưới 1 phút.
Về việc khách Trung Quốc gây ồn ào, nhất là khi ăn uống, GS Xie Yuan Bo cho biết thêm nó thể hiện việc khách ăn ngon, hài lòng nên “chịu khó chút”.
Do đó, để thu hút khách Trung Quốc nhiều hơn, Việt Nam cần đầu tư hệ thống thanh toán qua: Union Pay, AliPay, QQ Pay (Trung Quốc hiện rất ít sử dụng tiền mặt). Đồng thời tăng cường quảng bá trên mạng bằng tiếng Trung Quốc và tăng cường lao động ngành du lịch biết sử dụng tiếng Trung Quốc.