Dầu thô đảo chiều tăng, lên cao nhất 2 tháng
Dầu thô kỳ hạn tăng hơn 2% trong phiên giao dịch hôm qua. Giá dầu của Mỹ đạt mức cao nhất 70 USD, lần đầu tiên trong hai tháng do Washington thúc đẩy các đồng minh ngừng nhập khẩu dầu thô Iran từ tháng 11, điều này sẽ hạn chế nguồn cung toàn cầu và lo ngại Mỹ sẽ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran. Ngoài ra, sản xuất giảm tại Canada, Libya, vùng trung lập giữa Ả Rập Xê út và Cô Oét do các vấn đề kỹ thuật cũng là yếu tố hỗ trợ giá.
Giá dầu còn được hỗ trợ khi Viện Dầu khí Mỹ thông báo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm đáng ngạc nhiên 9,2 triệu thùng, vượt xa mức giảm 2,6 triệu thùng đã được dự kiến.
Giá dầu thô Brent chốt phiên giao dịch tăng 1,58 USD lên 76,31 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 2,45 USD lên 70,53 USD/thùng.
Xuất khẩu dầu thô trên biển của Iran giảm xuống còn khoảng 1,93 triệu thùng/ngày trong tháng 6 so với mức 2,38 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 2,58 triệu thùng/ngày trong tháng 4, theo Thomson Reuters.
Nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt. Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch dự kiến dầu Brent có thể tăng lên 90 USD/thùng vào quý 2/2019. Tác động của tranh chấp thương mại toàn cầu giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác như Liên minh châu Âu và Trung Quốc đang dần hiện rõ, biểu hiện đầu tiên là hoạt động bán tháo mạnh tại các các thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở châu Á.
Vàng chạm mức thấp nhất hơn 6 tháng
Giá vàng chạm mức thấp nhất trong hơn sáu tháng trong ngày hôm qua do hoạt động bán tháo tài sản rủi ro toàn cầu giảm bớt và triển vọng tăng lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng bạc xanh.
Giá vàng giao ngay giảm 0,6% còn mức 1.257,53 USD/ounce lúc 17,34 GMT.Giá vàng giao sau Mỹ giao tháng 8 giảm 9 USD, tương đương 0,7%, xuống mức 1,259,90 USD/ ounce. Trong khi đó, giá bạc giảm 0,3% xuống mức 16,26 USD/ounce, có lúc đã trượt xuống mức 16,10 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 1/5. Giá platinum giảm 0,3% xuống 867,40 USD/ounce, trong khi palladium tăng 2% lên 958,25 USD, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4 là 929,72.
USD đã tăng so với các đồng ngoại tệ chính do lo ngại các cuộc xung đột thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thép chạm mức thấp nhất 4 tuần
Giá thép thanh kỳ hạn tại Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tuần trong ngày hôm qua, do lo ngại căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và các đối tác thương mại của Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ đang soạn thảo các quy định nhằm ngăn các doanh nghiệp có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ thâu tóm các công ty Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Thương mại Mỹ đang lên kế hoạch thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để ngăn không cho những công nghệ quan trọng được xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc, tờ Wall Street Journal cho hay.
Giá hợp đồng kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải chốt phiên giao dịch giảm 1,8% xuống 3.675 NDT (561 USD)/tấn. Giá sản phẩm thép xây dựng đầu phiên đã chạm mức 3.663 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ ngày 31/5.
Sự tăng đột biến dự trữ các sản phẩm thép của Trung Quốc sau 14 tuần giảm liên tiếp cho thấy nhu cầu tiêu thụ thép của nước này giảm xuống. Dự trữ các sản phẩm thép tăng 110.000 tấn lên 10,1 triệu tấn vào cuối tuần qua.
Trong số các nguyên liệu sản xuất thép, giá than cốc kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm mạnh nhất, giảm 3,9% xuống còn 2.025,50 NDT/tấn, cao hơn chút ít so với mức thấp nhất kể từ ngày 7/6.
Cao su tăng cao trở lại
Giá cao su kỳ hạn mới tại Tokyo tăng cao do các nhà đầu tư tích cực mua vào sau khi giá chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016 trong ngày đầu tuần, nhưng lo ngại về nguồn cung dư thừa đã hạn chế biên độ tăng giá.
Giá cao su giao tháng 12 tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo đóng cửa ở mức 172,5 yen (1,57 USD)/kg, tăng 0,9 yên, tương đương 0,5%, so với mức giá mở cửa là 171,6 yên. Giá cao su kỳ hạn chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7/10/2016 là 171.0 yên vào ngày hôm trước đó, trong bối cảnh lo ngại về sản lượng tăng và hàng tồn kho cao hơn ở châu Á.
“Về cơ bản, thị trường yếu do tồn kho ở Trung Quốc đang gia tăng trong khi tồn kho tại TOCOM vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, giá cao su có thể sẽ hồi phục mạnh do hoạt động mua đầu cơ tăng cao”, Jiong Gu, một nhà phân tích tại Công ty Yutaka Shoji cho biết.
Giá cao su tại TOCOM đã giảm khoảng 15% trong tháng qua. Giá cao su hợp đồng cao su tích cực nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giao tháng 9 tăng 5 NDT lên mức 10.485 NDT (1.596 USD)/tấn.
Giá hợp đồng cao su trên sàn SICOM của Singapore giao tháng 7 đóng cửa ở mức 135,3 cent Mỹ/kg, giảm 0,9 cent.
Đậu tương giảm nhẹ
Giá đậu tương tại Chicago chốt phiên giao dịch giảm nhẹ do vụ thu hoạch của Mỹ mạnh và những lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung, nước mua đậu tương lớn nhất thế giới. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8 tại CBOT giảm 7 cent còn 8,73 USD/bushel trong khi giá vụ mùa mới kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 8 cent còn 8,87-1/2 USD. Giá khô dầu đậu tương CBOT chốt phiên giảm 70 cent còn 332,80 USD/tấn ngắn trong khi giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 8 giảm 0,02 cent còn 29,03 cent/lb.
Đường tăng giá
Giá đường thô kỳ hạn tại ICE đã tăng lên do các số liệu cho thấy sản xuất ethanol từ nước trồng mía số 1 Brazil tăng cao hơn dự kiến, thời tiết khô hạn ở Brazil có thể cắt giảm sản xuất và phần nào giảm bớt dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,13 cent, tương đương 1,06%, lên mức 12,45 cent/lb, sau khi tăng 2,7% lên 12,65 cent. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 4,90 USD, tương đương 1,4%, lên mức 350 USD/tấn.
Giá tăng sau khi các số liệu cho thấy các nhà máy Trung-Nam Brazil sản xuất 1,44 tỷ lít ethanol hydrous trong nửa đầu tháng Sáu. Đây là mức cao nhất trong hai tuần kể từ tháng 8/2010, do nhu cầu mạnh.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng ngày 27/6