Bộ Công thương cũng đã xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê để ổn định giá cà phê xuất khẩu từ năm 2018 |
Tại khu vực châu Á, Indonesia cũng đang vụ thu hoạch, nguồn cung tăng mạnh khiến giá cà phê thế giới giảm liên tục. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ điều này, giá cà phê trong nước giảm mạnh, hoạt động mua bán ngưng trệ do người nông dân không muốn bán cà phê ở mức giá quá thấp.
Từ cuối tháng 5/2018 đến nay, giá cà phê có lúc xuống thấp nhất ở mức 35.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất là 36.000 đồng/kg tại tỉnh Kon Tum. Xuất khẩu cũng sụt giảm, với 5 tháng đầu năm 2018, cà phê đã xuất khẩu 825.000 tấn, đạt kim ngạch 1,602 tỷ USD, giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Ở châu Á, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia sản xuất cà phê lớn trong TOP 4 thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam xuất khẩu có đến 90% là sản phâm thô, giá trị gia tăng thấp, vì vậy, khi giá cà phê thế giới sụt giảm, ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến các DN xuất khẩu.
Trong tháng 5/2018, xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 41,7 nghìn tấn, trị giá 160,95 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,6% về trị giá. Trong khi cà phê thô (Robusta) là chủng loại xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lên đến 605 nghìn tấn, đạt trị giá 1,1 tỷ USD, tăng lượng là 16,3% nhưng giá trị chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn toàn cảnh thị trường, cà phê Việt Nam gần như không có sức cạnh tranh ở tầm thế giới. Xét về giá trị thương mại thì cà phê Việt Nam gần như chưa tận dụng được nhiều từ thị trường của một ngành hàng khổng lồ, bởi thế giới chi khoảng 500 tỷ USD/năm cho tiêu dùng cà phê.
Theo Vicofa, Việt Nam hiện có trên 150 DN xuất khẩu cà phê, nhưng chỉ rất ít DN sản xuất chế biến cà phê như Trung Nguyên, Phúc Long, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa hay Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang… có sản phẩm cà phê chế biến (cà phê hòa tan, rang xay…) xuất khẩu. Điều này không đủ để nâng tầm hay ghi tên cà phê Việt Nam vào bản đồ thức uống thế giới.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng, khi xuất khẩu sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan, giá trị sẽ tăng gấp đôi so với sản phẩm cà phê nhân. Nhưng DN cà phê Việt phần lớn là DNNVV, thậm chí có nhiều DN phát triển từ hộ sản xuất gia đình, nguồn vốn đầu tư cá nhân là chính, nên rất khó để đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến cà phê hòa tan hay cà phê rang xay (một máy chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, DN cần khoảng 10 triệu USD). Điều này cũng cho thấy vì sao Việt Nam chỉ có một vài DN xuất khẩu cà phê chế biến.
Để ngành hàng cà phê phát triển bền vững, Vicofa đã kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ phát triển ngành cà phê và cung cấp giống cà phê, giống cây che bóng miễn phí cho nông dân, đồng thời sớm ban hành quy chuẩn cà phê rang xay và hòa tan, đảm bảo quyền lợi cho nhà nông, DN và người tiêu dùng. Phía Bộ Công thương cũng đã xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê (nằm trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung) để ổn định giá cà phê xuất khẩu từ năm 2018.
Theo báo cáo công bố tháng 6/2018 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 dự báo đạt mức cao kỷ lục 171,2 triệu bao (loại 60kg). Trong đó, sản lượng cà phê của Braxin dự báo đạt 60,2 triệu bao và Việt Nam dự báo đạt 29,9 triệu bao. USDA dự báo tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2018/19 cũng cao kỷ lục với 163,2 triệu bao.
Trong khi nhập khẩu cà phê của EU dự báo tăng 1 triệu bao lên 48 triệu bao và chiếm hơn 40% tổng nhập khẩu cà phê thế giới; tồn kho cà phê cuối kỳ tại EU dự báo tăng 800.000 bao lên 11,9 triệu bao.
Nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ dự báo tăng 2,4 triệu bao, lên 27 triệu bao trong niên vụ 2018/19; tồn kho cà phê cuối kỳ tại Mỹ dự báo tăng 600.000 bao lên 7,2 triệu bao. Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2018/19 toàn cầu được dự đoán tăng sau 3 năm suy giảm liên tiếp.