Trung Quốc vốn được gọi là công xưởng của cả thế giới bởi khả năng sản xuất tới cả nghìn tỉ sản phẩm mỗi ngày với đủ chủng loại mẫu mã. Và với thị trường Việt, buôn hàng hoá Trung Quốc đang là hình thức kinh doanh mà rất nhiều người lựa chọn, đặc biệt là buôn bán quy mô nhỏ lẻ.
Anh Nguyễn Công Huy, một chủ shop buôn bán giày online, cho biết, điều đầu tiên và quan trọng nhất trong việc nhập hàng hóa từ Trung Quốc là phải lưu ý về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để tránh nhận về hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần phải đặc biết lưu ý tới độ uy tín của đối tác trước khi quyết định lựa chọn nhập hàng.
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc làm sao để biết được đâu là hàng hóa chất lượng hay không? Anh Huy cho biết điều này còn tùy thuộc vào may rủi, “may mắn thì lần đầu nhập được hàng tốt, chất lượng còn nếu không thì vẫn phải nhận hàng do chủ hàng Trung Quốc không cho hoàn trả”.
Anh chia sẻ thêm, “khi giao dịch thường thỏa thuận về giá cả và chi phí vận chuyển. Nếu hàng không về đến nơi thì bên bán phải đền 100% giá trị nhưng thường là không được đền và kể cả hàng không đúng mẫu cũng như vậy”.
Chị Mai, một chủ cửa hàng chuyên bán quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc trên đường Kim Mã ở Hà Nội thì cho biết, cách thức thanh toán của người Trung Quốc thường là sử dụng Alipay hoặc WeChat Pay để thanh toán. Họ không dùng các cách giao dịch thông thường nên sẽ mất một chút công sức và thời gian để tạo tài khoản thanh toán. Hoặc cũng có thể gặp trực tiếp tổng buôn và trả họ bằng tiền mặt – đồng Nhân dân tệ.
“Thông thường khi nhập hàng từ Trung Quốc, nhiều người sẽ gặp rào cản về ngôn ngữ. Tiếp đó là quá trình đóng gói vận chuyển về Việt Nam. Các công ty vận chuyển làm ăn rất bất cẩn nên hàng hoá dễ bị móp méo nếu bạn không chịu chi thêm chút tiền cho đóng thùng gỗ. Cuối cùng là vấn đề cửa khẩu, biên giới lúc nào cũng có nguy cơ tắc nghẽn nên nhiều khi hàng về trễ hẹn”, chị Mai kể về việc vận chuyển hàng hoá.
Chị Mai cho biết thêm, mọi người thường có suy nghĩ rằng nhập hàng Trung Quốc về thì bán được lãi cao, thực chất không phải như vậy. Muốn bán được hàng, thu về lãi cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ “hot” của hàng hoá, trình độ bán hàng và hơn hết là số lượng hàng người buôn có thể ôm. Ví dụ chỉ có vốn để nhập vài chục đến vài trăm sản phẩm thì lãi sẽ không thể cao bằng người ôm 10.000-20.000 sản phẩm”.
Về các hình thức nhập hàng, nhiều thương nhân cho biết có thể sang tận nơi, nói chuyện, tìm hiểu và bắt tay trực tiếp với đối tác để có thể có giá tốt và nguồn hàng ổn định. Hoặc tìm wechat của đối tác qua trung gian hoặc wechat. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới rủi ro cao về chất lượng cũng như độ ổn định của nguồn hàng và giá cả. Ngoài ra, muốn đảm bảo uy tín thì nên giao dịch qua Alipay do những người bán phải có gian hàng ở Alibaba mới được mở Alipay. Từ đó cũng giảm khả năng bị lừa đảo hơn.
Ngoài ra, nhập hàng Trung Quốc không phải lúc nào cũng đơn giản, đôi khi giống như những canh bạc. Theo chia sẻ của chị Hương Giang, một nhân viên văn phòng “làm thêm” bằng bán hàng online, gần đây chị nhập hàng qua trung gian, giá trị lô hàng vào khoảng 20 triệu đồng. “Sau 1 tuần chờ đợi thì hàng về được 1 phần 4. Số còn lại trung gian hứa lên hứa xuống nhưng mãi cũng không về. Chờ đợi hết ngày này qua ngày khác, mình quyết định huỷ đơn hàng và đòi lại số tiền còn lại. Tuy nhiên mọi chuyện cũng không đơn giản vậy. Hoá ra thương gia đó bị bắt hàng nên đã trốn và bùng tiền của không chỉ riêng mình mà rất nhiều con buôn khác. Suốt 2 tháng ròng, cuối cùng mình cũng đòi được tiền. Thực sự mất rất nhiều thời gian và sức lực”.
Trường hợp như của chị Giang không hề hiếm. Vì không có gì đảm bảo cho việc kiểm chứng chất lượng, thời gian hay số lượng hàng hoá theo đúng như đã đặt nên các thương nhân đều nói rằng buôn hàng Trung Quốc cần khá nhiều may mắn. Nếu may thì nhập được hàng tốt, đối tác tin cậy còn không thì mất tất cả bởi phía họ luôn có quy định không hoàn hàng. Việc nhập hàng, bán hàng Trung Quốc đem lại lợi nhuận không nhỏ cho chủ hàng nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro.