Ngân hàng lớn chạy đua thoái vốn sở hữu chéo

Gần đây, một số ngân hàng đã thoái vốn thành công như Vietcombank thoái 6,67 triệu cổ phần, tương đương 1,36% vốn điều lệ tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần.

Việc bán toàn bộ cổ phần tại OCB giúp Vietcombank ghi nhận khoảng 198 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 2. Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 27/4, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT VCB khẳng định sẽ bán cổ phần tại Eximbank và MBBank để giảm tỷ lệ sở hữu về 5%, hoặc thấp hơn nhằm tuân thủ Thông tư 36.

Nếu thoái vốn toàn bộ khỏi Eximbank và MBBank, Ngân hàng có thể ghi nhận 3.677 tỷ đồng lợi nhuận vì giá vốn của VCB khi đầu tư vào Eximbank và MBBank lần lượt là 582 tỷ đồng và 1.243 tỷ đồng.

Trong khi đó, VietinBank và BIDV cũng đang nỗ lực thoái vốn khỏi các TCTD. Cụ thể, BIDV đã ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV – Vietnam Partners cho công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu.

Còn VietinBank đã giảm bớt sở hữu tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai.

Ngân hàng lớn chạy đua thoái vốn sở hữu chéo - Ảnh 1.

Việc các NHTM Nhà nước tích cực thực hiện thoái vốn trong giai đoạn này được đánh giá khá hợp lý. Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định nhưng nhìn chung việc thoái vốn tại các ngân hàng diễn ra còn chậm.

Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC), một số nguyên nhân có thể kể ra là bối cảnh chung của cả nền kinh tế vài năm trước chưa thuận lợi; môi trường kinh doanh khó khăn; TTCK chưa tăng trưởng; nhiều ngân hàng khi đó đang trong giai đoạn tái cơ cấu hay cản trở từ yêu cầu thoái vốn nhưng vẫn phải bảo toàn và phát triển vốn nhà nước (đối với các NHTM có vốn Nhà nước nắm cổ phần chi phối).

Trong vòng một năm trở lại đây, TTCK khởi sắc trở lại đã tạo cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh việc thoái vốn. Dẫu vậy, việc thoái vốn sôi động hơn mới chỉ diễn ra ở các ngân hàng lớn, có năng lực tài chính, còn đối với ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu, việc thoái vốn không dễ dàng.

Một trong những giải pháp tốt nhất được đề xuất là tìm kiếm đối tác để tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A). Đây là con đường ngắn và phù hợp để các ngân hàng nhỏ nâng cao năng lực, đồng thời xóa được tình trạng sở hữu chéo.

Điển hình là việc Maritime Bank sáp nhập cả Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDBank) và Công ty Tài chính cổ phần Dệt may, hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu 10% và 11% cổ phần.

Trước đó, thị trường chứng kiến việc SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MHB sáp nhập vào BIDV để hợp thức hóa sở hữu của cổ đông lớn…

Ngoài ra, NHNN đã đề xuất sửa Thông tư 06/2015/TT-NHNN nới thời hạn chuyển tiếp với trường hợp TCTD sở hữu cổ phần vượt giới hạn đến ngày 30/6/2019. Động thái này của NHNN sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian tìm kiếm đối tác và các nhà đầu tư thích hợp.

“Ông lớn” ngân hàng đẩy mạnh thoái vốn tại ngân hàng khác

Bài viết mới