Chuyên gia kinh tếVŨ ĐÌNH ÁNH:
Siết nợ công sẽ giảm thuế, phí
Nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không nên và không cần xếp vào nợ công. Bởi lẽ, liên quan đến việc quản lý của nhà nước với DNNN, quy định đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo DN cũng như bộ phận quản lý vốn nhà nước tại DN. Trách nhiệm tài chính thuộc về chủ sở hữu vốn là bộ chủ quản hoặc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tức là bộ chủ quản phải tìm kiếm nguồn tiền để thanh toán nợ và không được phép sử dụng ngân sách. Chưa kể, với việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, phần vốn nhà nước sắp tới đây sẽ thuộc ủy ban này và chịu trách nhiệm xử lý. Tóm lại, các khoản DNNN tự vay, tự trả không liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của nhà nước và không tính vào nợ công.
Về giải pháp quản lý nợ công, quy định tập trung quản lý vay nợ, phân bổ nợ vay và trả nợ về Bộ Tài chính, thay vì nhiều bộ như trước đây, tôi cho rằng rất hợp lý. Tuy nhiên, phải xem xét cải tổ Cục Quản lý nợ của Bộ Tài chính để có thể đảm nhiệm được việc này bởi nợ công của Việt Nam quy mô đã rất lớn, lên tới 100 tỉ USD. Chỉ một đơn vị cấp cục với bộ máy cũ thì sợ không cáng đáng nổi công việc.
Mục tiêu của chúng ta là kiên quyết không cho vay nợ mới, giảm tỉ lệ nợ trên GDP. Để làm được việc đó phải bố trí tìm nguồn đầu tư xưa nay do nợ công đảm đương. Nợ công bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi đã lên rất cao, nếu không quản lý tốt thì tỉ lệ trả nợ sẽ tăng lên, gây áp lực khiến các khoản chi khác bị co hẹp lại và buộc phải tăng thu lên qua thuế, phí để bù đắp.
Chuyên gia kinh tếBÙI TRINH:
Phải tính nợ của DNNN vào nợ công
Trong giai đoạn 2011-2016, tăng trưởng về nợ phải trả theo giá hiện hành, đạt xấp xỉ 15%/năm, trong khi tăng trưởng bình quân về tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế theo giá hiện hành chỉ là 10,1%/năm. Trong đó, nợ phải trả của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng bình quân theo năm rất cao, tới 16,2%, khi mà tăng trưởng về giá trị tăng thêm bình quân năm của khu vực này chỉ khoảng trên 9,5%/năm. Khu vực DNNN tăng trưởng về nợ phải trả hơn 12% trong khi tăng trưởng về giá trị tăng thêm gần 10%. Khu vực FDI cũng trong tình trạng tương tự.
Quan niệm của tôi là bất cứ khoản nợ nào, dù có được xếp vào nợ công hay không thì nền kinh tế đều phải gánh. Bởi vậy, nợ tự vay, tự trả của DNNN không tính vào nợ công là chưa thỏa đáng. Bởi đối với DNNN, trừ một số DN 100% vốn nhà nước thì dù ít hay nhiều đều có phần đóng góp vốn của nhà nước. Khi DN vay nợ, tồn đọng nợ, khó khăn về trả nợ… đều ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến phần vốn nhà nước. Nợ của DNNN sẽ xử lý thế nào khi DN không có khả năng trả nợ nữa, không vận hành, không đóng thuế được nữa? Nếu DN phá sản, tức là một ngành nghề nhà nước góp vốn, một DN được nuôi dưỡng từ một phần vốn nhà nước sẽ chết.
Hiện tại, nợ của DNNN đã rất lớn rồi, lên đến 324 tỉ USD vào năm 2016, tương đương 158% GDP. Không thể nói nhà nước chỉ quản lý phần vốn của mình, còn phần bên ngoài không có trách nhiệm, khi mà phần vốn nhà nước hòa chung với vốn cổ phần hóa để cùng vận hành DN, cùng đóng góp vào phát triển hoặc cùng gánh nghĩa vụ nợ.
Chuyên gia kinh tếLƯU BÍCH HỒ:
Cần tăng trách nhiệm giải trình
Nợ công tăng cao là do mô hình tăng trưởng của chúng ta đã lạc hậu, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp, tăng trưởng chậm dẫn đến buộc lòng lại phải đầu tư thêm. Siết được tốc độ tăng của nợ công là phải giải quyết được căn nguyên này.
Về việc tính hay không tính nợ của DNNN vào nợ công, hiện có nhiều ý kiến cho rằng không nên. Tôi thấy tách nợ của DNNN ra sẽ bảo đảm nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của DN, tạo sự bình đẳng với các DN khác trong nền kinh tế thị trường, cũng như hạn chế tính ỷ lại vào Chính phủ. Có hơn 40 quốc gia trên thế giới không tính nợ của DNNN vào phạm vi nợ công. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng tiền của nhà nước vẫn là một phần trong DN nên tuy không đưa nợ tự vay, tự trả của khối này vào nợ công nhưng vẫn phải chú ý việc xử lý nợ, tránh trường hợp xấu.
Việc quản lý nợ, theo tôi, cần phải tăng trách nhiệm giải trình, phối hợp theo chức năng nhiệm vụ nhưng phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân.
PHƯƠNG NHUNGghi