Sau 9 năm hoạt động, UPCoM đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng hàng hóa và hoạt động của thị trường, khẳng định vai trò là kênh đầu tư hấp dẫn của công chúng và huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào công cuộc cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Chỉ với 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch buổi đầu khai trương, tính đến hết tháng 5/2018, UPCoM có 738 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX cùng thời điểm. 2016, 2017 là 2 năm quy mô vốn hoá tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt 397%, 123,4%.
Quy mô giao dịch tuy không theo kịp quy mô vốn hóa song cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Thanh khoản trên UPCoM 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt mức 462 tỷ đồng/phiên, gần bằng 50% giá trị giao dịch trên thị trường niêm yết HNX. Thậm chí trong năm 2017, UPCoM đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị giao dịch đạt 1.463 tỷ đồng/phiên, cao gấp 2,3 lần giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường niêm yết HNX năm 2017.
Cổ phiếu UPCoM ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2016, 2017, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm khoảng 15,5% – 16,5% giá trị giao dịch UPCoM. Có nhiều thời điểm thị trường biến động, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết nhưng lại mua ròng trên UPCoM.
UPCoM cùng với 2 sàn niêm yết trên TTCK Việt Nam đã trở thành lựa chọn đầu tư tài chính và huy động vốn quan trọng của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trên sàn UPCoM có khá nhiều cổ phiếu của các công ty lớn, có tên tuổi, được nhà đầu tư quan tâm, có những cổ phiếu được giao dịch ở mức giá rất cao, có khi bằng hoặc thậm chí cao hơn mức giá của các bluechips trên hai sàn niêm yết, ví dụ MCH, MPC, SCS, SGN…
Đối với hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, trong 9 năm qua, các doanh nghiệp trên UPCoM đã huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường này.
Sự sôi động của UPCoM, tính minh bạch, sự cải thiện về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi gia nhập UPCoM cũng góp phần thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, giúp ngân sách Nhà nước thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng. Không chỉ vậy, UPCoM còn khẳng định mình như điểm đến cho các doanh nghiệp muốn tập dượt trước khi niêm yết trên các Sở và là môi trường cho các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện mình để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường niêm yết. Từ đây đã có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và chuyển lên niêm yết trên 2 Sở HNX, HOSE.
Dưới đây là các dấu mốc quan trọng về UPCoM 9 năm qua
Các văn bản pháp lý hình thành và phát triển thị trường UPCoM:
8/11/2007: Bộ Tài chính phê duyệt Quyết định số 3567/QĐ-BTC về phương án tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng hình thành thị trường UPCoM tại Sở GDCK Hà Nội.
20/11/2008:Bộ Tài chính ban hành Quyết định 108/2008/QĐ-BTC về Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm GDCK Hà Nội (sau này là Sở GDCK Hà Nội), văn bản pháp quy đầu tiên về hoạt động của thị trường UPCoM.
15/9/2014: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đưa các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá vào diện bắt buộc phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày trở thành công ty cổ phần.
26/6/2015: Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP bổ sung doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa theo diện chào bán ra công chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.
13/11/2015: Thông tư 180/2015/TT-BTC đưa ra thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. 30/6/2016: Thông tư 115/2016/TT-BTC gắn hoạt động đấu giá tại Sở GDCK với đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, rút ngắn thời gian đưa cổ phần vào giao dịch còn 7 ngày làm việc kể từ ngày có xác nhận kết quả đấu giá của UBCKNN. Các sự kiện lớn của thị trường UPCoM:
24/6/2009: Phó Thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng nhấn nút khai trương thị trường UPCoM với 10 doanh nghiệp đầu tiên với tổng giá trị đăng ký giao dịch 1.231 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch đầu tiên, có gần 1,1 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị giao dịch đạt 18,9 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt 2.230 tỷ đồng.
19/7/2010: Áp dụng bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục đối với giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, bên cạnh phương thức giao dịch thỏa thuận thông thường và thỏa thuận điện tử.
4/4/2011: Triển khai áp dụng giá tham chiếu của cổ phiếu mới do tổ chức đăng ký giao dịch đề xuất và Sở GDCK Hà Nội phê duyệt, và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới và cổ phiếu giao dịch trở lại trên UPCoM là ± 40%.
1/7/2015: Nới biên độ dao động giá trên thị trường UPCoM từ ±10% lên ±15% nhằm tăng tính hấp dẫn đối với giao dịch cổ phiếu UPCoM, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường.
4/1/2016: Thay đổi cách tính UPCoM Index áp dụng phương pháp tính trên cơ sở giá trị vốn hoá thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, thay vì tính gộp tất cả những cổ phiếu đang lưu hành như trước đây, nhằm phản ánh chính xác hơn tính thanh khoản và tình hình giao dịch của các cổ phiếu trên thị trường.
19/5/2017: Sở GDCK Hà Nội điều chỉnh phân bảng UPCoM theo quy mô vốn giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại và quản lý một lượng lớn hàng hóa trên UPCoM.