Ưu đãi cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô mới… nằm trên giấy

Hệ thống hạ tầng hiện đại cơ bản đã hoàn thành, mặt bằng phát triển khu tái định cư đã “dọn sẵn”, nhiều nhà đầu tư cũng đã “dạm hỏi”… song vẫn chưa có những kết giao đẹp dành cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Trong nhiều năm trở lại đây, khu vực cảng Chân Mây nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hoạt động khá trầm lắng. Sự vắng lặng này bắt nguồn từ những hạn chế trong thu hút đầu tư vào khu kinh tế cho dù nó đã có quá trình hoạt động hơn 10 năm.

Thu hút đầu tư hạn chế

Báo cáo được Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cập nhật tới đầu tháng 9/2017 cho thấy, mới có 39 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 40,26 nghìn tỷ đồng được đầu tư vào khu kinh tế, trong đó có 9 dự án FDI với số vốn khoảng 23,9 nghìn tỷ đồng. Đa phần các dự án đều có quy mô nhỏ, chưa tạo được sự lan toả đối với sự phát triển của khu kinh tế.

Theo Quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được chia thành 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp và khu phi thuế quan. Nhưng đến nay, Chân Mây – Lăng Cô mới cơ bản hình thành 2 khu tập trung là khu cảng và khu du lịch.

Trong khi khu vực cảng Chân Mây hoạt động chưa hiệu quả do các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngay tại khu kinh tế và khu vực lân cận vẫn còn nhiều hạn chế, thì khu dịch vụ vẫn còn khá èo uột.

Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư với quy mô vốn lên tới 875 triệu USD là dự án đáng chú ý duy nhất tại thời điểm này. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, do dự án đang trong giai đoạn đầu triển khai cũng như mô hình hoạt động của Laguna liên kết khá chặt chẽ với chương trình quốc tế mà thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp khác của địa phương, vì thế dự án chưa thực sự tạo được dấu ấn.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, rất nhiều đoàn doanh nghiệp đã đến tỉnh tìm kiếm thông tin nhưng tỉnh vẫn chưa “giữ chân” được nhà đầu tư nào. “Thậm chí, quỹ đất sạch để phát triển khu đô thị đã được dọn sẵn, mời gọi nhà đầu tư nhưng 5 năm nay vẫn chưa hút được vốn”, ông Cao nói.

Ưu đãi chỉ nằm trên giấy

Một trong những lý do khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là do rất nhiều chính sách ưu đãi trong khu kinh tế không đem lại hiệu quả thực sự cho nhà đầu tư.

“Nếu dự án khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng bên ngoài khu kinh tế thì cũng không khác mấy so với việc đầu tư trong khu kinh tế từ các quy định liên quan tới cơ chế giải phóng đền bù tới việc chuyển mục đích sử dụng đất… Có chăng đầu tư tại khu kinh tế được hưởng ưu đãi về thuế như miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất…”, ông Lê Văn Tuệ, Phó trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết.

Vị đại diện khu kinh tế cũng cho hay, mặc dù khu kinh tế đã có quy hoạch tổng thể các khu chức năng chính cũng như hàng chục quy hoạch chi tiết xây dựng các phân khu chức năng, nhưng khi nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan tới đất đai thì đều gặp rất nhiều vướng mắc, phải đi xin như bình thường.

“Trong khi đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại khu kinh tế như một giá trị gia tăng cho nhà đầu tư lại không thuận lợi”, ông Tuệ cho hay. Nguyên nhân là do việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán do còn bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật về khu kinh tế và các quy định chuyên ngành.

Do đó, vai trò, vị trí của Ban Quản lý Khu kinh tế trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa rõ, chức năng, nhiệm vụ trong một số lĩnh vực như thanh tra, môi trường, lao động… còn thiếu thống nhất, làm cản trở thực thi chính sách cho nhà đầu tư.

“Vì vậy, phải có khung thể chế về khu kinh tế rõ ràng, bởi rất nhiều bộ luật như Luật Đất đai, Luật Môi trường đã “bỏ quên” đối tượng điều chỉnh là các khu kinh tế”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Kinh tế miền Trung: Xây tổ lớn đón chim đại bàng

Bài viết mới