Tạo thông tin giả gây nóng sốt, cò đất bắt đầu “tháo chạy” khỏi Phú Quốc

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, từ khi Nhà nước có sự quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở mạnh vào huyện đảo Phú Quốc, thì các nhà đầu tư, đầu cơ với mục tiêu “đi trước đón đầu” để kiếm lời, dẫn đến hiện tượng “sốt đất ảo”, từ đó, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại Phú Quốc đang diễn biến phức tạp.

“Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn, chiếm đất rừng, khuyến cáo người dân về các giao dịch đất đai bất hợp pháp. Tuy nhiên, tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng dẫn đang diễn ra, các giao dịch về quyền sử dụng đất kể cả chính thức hoặc không chính thức ngày một tăng cao”, ông Lộc cho biết.

Việc này khiến Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai, các tổ chức công chứng tại Phú Quốc trở nên quá tải với số lượng giao dịch về quyền sử dụng đất tăng cao. Theo đó, trong năm 2017, với 7.690 hồ sơ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 634,14 ha. Trong khi đó, quý 1/2018, đã phát sinh 4.578 hồ sơ giao dịch (tăng hơn 200% so với cùng kỳ), với diện tích 361,39 ha (tăng gấp đôi). Người nhận chuyển nhượng phần lớn là người dân có hộ khẩu từ Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác. Đây là những giao dịch chính thức qua hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.

Bên cạnh đó, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức ủy quyền; mua, bán đất trái quy định pháp luật còn diễn ra như đất rừng, đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất không rõ nguồn gốc,… thông qua giấy tay, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm cho người mua, bất chấp nơi đó có phù hợp với quy hoạch hay không.

Tại Phú Quốc, giá đất phụ thuộc theo tình trạng pháp lý của mảnh đất: có ấp, xã xác nhận; có đo đạc sơ đồ vị trí; có ký giáp ranh hay chưa… kể cả một số hộ nhận giao khoán rừng âm thầm chuyển nhượng đất dưới hình thức giao sổ nhận khoán bất hợp pháp. Từ đó, làm cho thị trường quyền sử dụng đất mất kiểm soát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sốt đất tại Phú Quốc, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là thông tin giả. Với dự đoán về định hướng phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai, không ít người đưa ra thông tin giả như điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp sang thương mại dịch vụ tại một khu vực nào đó, đẩy giá đất nông nghiệp lên cao hay là thông tin mua đất Phú Quốc bán lại được ngay với giá cao hơn, tạo ra cơn sốt khan hiếm đất đai. Từ đó, cò đất lợi dụng đẩy giá lên cao tại các khu vực này.

Thứ hai, công tác thông tin, tuyên truyền, công khai quy hoạch, công bố dự án có thu hồi đất đến người dân có lúc chưa đầy đủ, kịp thời, người dân “mua đất” thiếu thông tin chính thức, tiếp nhận nhiều thông tin giả.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên; các vi phạm về đất đai chưa được xử lý nghiêm, kịp thời.

Vì thế, theo ông Lộc, rất cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô trái pháp luật. Việc ngăn chặn hiện tượng giao dịch, mua bán đất đai trái quy định pháp luật, ngăn chặn đầu cơ đẩy giá đất là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc kiểm soát phải dựa trên cơ sở quy định pháp luật.

Theo đó, chính quyền địa phương sẽ tiến hành công khai quy hoạch sử dụng đất (kể cả Quyết định 633, Quyết định 868 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Phú Quốc và quy hoạch các phân khu chức năng tỷ lệ 1/2.000).

Tập trung công khai Quy hoạch đất phát triển nông nghiệp để người nhận chuyển nhượng nhận thấy không có cơ hội để chuyển sang đất phi nông nghiệp; công khai các khu vực đất sẽ bị thu hồi để giao cho các dự án đầu tư để không có cơ hội nhận chuyển nhượng. Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể.

Đặc biệt, tỉnh đã có quyết định đề nghị UBND huyện Phú Quốc cấm mọi giao dịch quyền sử dụng đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, hướng đến mục đích ngăn ngừa tình trạng mua bán “nóng” và thổi giá đất nền, phân lô tách thửa tràn lan… dẫn đến sốt đất ảo. Tiếp đó là, kiểm soát chặt chẽ, việc đầu tư xây dựng phải có đầy đủ các thủ tục và giấy phép quy định; nghiêm cấm mọi hiện tượng phân lô, bán nền trái quy định phát luật. Đặc biệt là trên đất nông nghiệp và đất rừng…

Cũng theo ông Lộc, để cho huyện đảo Phú Quốc phát triển bền vững, đúng định hướng, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là tất yếu, cần thiết, vì vậy chính quyền tỉnh, huyện đang ” Tạm dừng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất”; “Tạm dừng chưa cho phép tách thửa”. Chính vì vậy tình hình giao dịch đất đai trên địa bàn Phú Quốc đang thay đổi nhanh chóng, nhiều văn phòng môi giới không được cấp phép hoạt động đã đóng cửa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Công Chánh, chuyên gia phân tích BĐS cá nhân, cho rằng chính quyền địa phương đã vào cuộc bằng các biện pháp hành chính mạnh mẽ nhằm chặn đứng kịp thời tình trạng bơm thổi giá đất, băm nát quy hoạch. Việc này đã lập tức làm các giao dịch giảm mạnh và cò đất bắt đầu có cuộc tháo chạy khỏi địa bàn.

“Theo tôi, hiện tại nhóm nhà đầu tư cá nhân ôm đất nông nghiệp diện tích dưới 500m2 và nhóm nhà đầu tư không kịp “rút” sẽ có khả năng mất trắng nếu sau các đợt thanh tra đang diễn ra tại Phú Quốc cho thấy các loại đất họ đang nắm giữ không được phép giao dịch. Do vậy, hàng loạt cò đất đang bán tháo đất để thu hồi dòng tiền”, ông Chánh nói.

Bài viết mới