Saint Laurent và câu chuyện về sự trường tồn qua hai đời giám đốc sáng tạo: Khi phục vụ giới thượng lưu, bạn phải đẳng cấp, chẳng cần chạy theo số đông

Hai đời giám đốc sáng tạo: Hedi Slimane và Anthony Vaccarello

Vào năm 2013, tạp chí Complex từng có cuộc chuyện trò khá thú vị với G-Dragon – biểu tượng của làn sóng Hallyu vào thời điểm bấy giờ, đồng thời cũng là một trong những fashionisto hàng đầu thế giới. Cuộc nói chuyện có nhắc tới các thương hiệu thời trang mà anh ưa thích, và cái tên đầu tiên được nam ca sĩ quyền lực và phong cách trân trọng đề cập tới chính là Saint Laurent Paris.

“Tôi không thực sự thích nhãn hiệu này khi nó còn là YSL, nhưng sau đó đã hâm mộ cuồng nhiệt khi nó đổi tên thành Saint Laurent, bởi tôi là một fan của giám đốc sáng tạo Hedi Slimane” – G-Dragon đã nói như vậy về Saint Laurent Paris (SLP).

Vào năm 2012, trước sự thích thú của người yêu thời trang toàn thế giới, Hedi Slimane trở thành giám đốc sáng tạo của YSL, đem theo cá tính và phong cách dị biệt sang ngôi nhà mới nơi kinh đô ánh sáng. Trong suốt 4 năm cống hiến tận lực cho thương hiệu Saint Laurent Paris, Hedi đã khuynh đảo giới thời trang, liên tục chinh phục từ Âu sang Á để rồi được tôn sùng như vị Chúa mới của phong cách “grunge” bụi bặm, quyến rũ.

Thế rồi bất ngờ, vào 1/4/2016, Hedi chính thức rời khỏi SLP, nhường lại vương vị cho nhà thiết kế đến từ Bỉ – Anthony Vaccarello; động thái này đã khiến nhiều người lo lắng rằng Saint Laurent rồi sẽ trở thành Ain’t Laurent, sẽ tụt dốc không phanh như Dior Homme sau khi đánh mất Slimane vào năm 2007.

Người yêu thời trang trên toàn thế giới hồi hộp đợi chờ màn trình diễn đầu tiên của Vaccarello dưới cái tên nguyên bản “Yves Saint Laurent” (#YSL01) vào tháng mười cùng năm. Và rồi, Anthony Vaccarello đã đánh đổ tất cả những định kiến ấy bằng một nụ cười chiến thắng.

Saint Laurent và câu chuyện về sự trường tồn qua hai đời giám đốc sáng tạo: Khi phục vụ giới thượng lưu, bạn phải đẳng cấp, chẳng cần chạy theo số đông - Ảnh 1.

Hedi Slimane và Anthony Vaccarello.

Saint Laurent dưới thời Vaccarello

Vào thời điểm nhậm chức, Vaccarello đã nói: “Tôi muốn tạo nên những niềm vui. Tôi muốn thổi vào Saint Laurent một luồng sinh khí mới, khác với những gì Hedi đã làm”. Nói thì dễ, làm mới khó, nhất là khi cái bóng của Slimane vẫn còn quá áp đảo vào năm 2016 với 30% tăng trưởng doanh thu vào quý 4 năm 2015. Vậy mà Anthony đã làm được, thậm chí làm rất tốt bằng cách thức mà không ai ngờ đến – du hành thời gian.

Nhiều người nhận xét, sự thành công bất ngờ của Gucci ở thời điểm hiện tại nằm ở việc tận dụng được các giá trị hoài cổ trong khi đan xen và giữ vững phong cách bất biến riêng của hãng. Thế nhưng điều đó đã được Anthony thực hiện từ 2 năm trước khi thay vì giới thiệu đến công chúng những gì mới mẻ nhất, cách tân nhất, ông lại quay ngược đồng hồ tìm về với ký ức xưa cũ tên Paloma Picasso – bóng hồng từng truyền cảm hứng cho bộ sưu tập đình đám “Scandal” năm 1971 vốn gây tranh cãi dữ dội.

“Sững sờ” là cảm giác mà nhiều người thừa nhận sau khi chiêm ngưỡng những mẫu thiết kế lệch vai cùng phần tay phồng, đi kèm với quần jeans tinh tế cùng áo bustier xẻ ngực lấp ló trong jacket nam.

Saint Laurent trên cán cân đẳng cấp: “Yves” hay là “Paris”?

Cần phải nói là Anthony có không ít may mắn khi đến với YSL vào thời kỳ “hậu khủng hoảng” thời trang 2014 – 2015, khi mà sức mua của thị trường bắt đầu nhích dần lên. Vậy nhưng, con số 1.502 tỷ Euro doanh thu năm 2017 của thương hiệu này chắc chắn không chỉ đến từ việc thị trường đã dễ thở hơn; không có yếu tố khách quan nào đủ lớn để kích cầu tới 23,11% lợi nhuận của hãng so với năm 2016. Lý do chính giải thích cho thành công rực rỡ mà YSL giành được trong suốt năm 2017 cho tới tận cuối quý I năm 2018 chỉ gói gọn trong cụm từ ngân nga đẹp đẽ: “Anthony -Vaccarello”.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, cả Hedi Slimane lẫn Anthony Vaccarello đều đã đem đến những tăng trưởng thần kỳ cho Saint Laurent, vậy cách thức của họ có gì khác nhau?

Trước hết, hãy lại nói về Slimane.

Cần phải công nhận rằng Slimane thay đổi đến tận gốc rễ của Saint Laurent để tái sinh thương hiệu này với năm gạch đầu dòng sau đây:

– Xóa bỏ cái tên Yves.

– Hồi sinh kỷ nguyên Rock Chic.

– Xóa nhòa lằn ranh giới tính trong thời trang.

– Đưa trụ sở nhà mốt xứ Paris về Los Angeles.

– Định nghĩa lại khái niệm “phục sức sang trọng”.

Dưới thời đại của Slimane, Saint Laurent trở nên tươi mới hơn bao giờ hết khi liên tục cho ra đời những sản phẩm mang hơi hướng đương đại ngọt ngào và rực rỡ. Việc xóa bỏ cái tên Yves mộng mơ cũng như chuyển trụ sở về SoCal khiến cho cái “vibe” của Saint Laurent giai đoạn 12-15 gắn chặt với âm nhạc Rock n Roll hoài cổ nhưng chưa bao giờ chết, nghệ thuật nhiếp ảnh, bản sắc Mỹ thời thượng và một chút hơi thở đường phố quen thuộc.

Nếu như Gucci hay Balenciaga cho tới tận năm 2016 – 2017 mới nhận ra mình đã bỏ quên những yếu tố “đời thường suồng sã” trong các thiết kế của mình thì Hedi đã đủ cấp tiến để mang đến cho SLP những thay đổi đó từ năm 2012. Nói cách khác, ông đã thành công bằng việc phá bỏ những chuẩn mực cũ của YSL, để rồi sau đấy tới lượt Anthony Vaccarello thành công bằng việc… đập bỏ SLP.

Bây giờ, hãy nói về Vaccarello.

Với ít nhiều ẩn ý, Vaccarello từng trả lời phỏng vấn rằng “Saint Laurent chính là Paris.” Việc xóa bỏ chữ “Paris” và hồi sinh “Yves” phần nào đã nói lên chủ trương của Anthony khi ông tiếp quản Saint Laurent – khôi phục những giá trị nguyên bản và đẳng cấp bất biến của nhà mốt 57 năm tuổi.

Bản thân màn chào sân của Vaccarello đã lấy cảm hứng từ bộ sưu tập “Scandal” đình đám năm 1971 của Yves; những định hướng sản phẩm tiếp theo của Saint Laurent cũng được Vaccarello đề cao những giá trị cao cấp xa xưa của phục trang – từ chất liệu cho tới đường kim mũi chỉ, và trên hết là thần thái sang trọng, quyến rũ với tông đen chủ đạo thường xuyên, khác với một Saint Laurent từng rực rỡ sắc màu dưới bàn tay Hedi.

Và bạn có nhận ra điều đặc biệt gì đã vô tình xảy ra ở bước chuyển tiếp giữa Slimane và Vaccarello không? Chính xác, nhờ có hai gã quái kiệt này mà Saint Laurent đã luôn đi trước thời trang thế giới một bước. Khi thời trang thế giới đang tồn tại một rào cản quá lớn giữa “thời trang sàn diễn” và “sân khấu đường phố”, Hedi Slimane đã đưa chất đương đại Mỹ vào các thiết kế trứ danh của mình, hô biến Saint Laurent thành kẻ thống trị từ high-end cho tới street-style kiểu cao bồi, rocker; và giờ đây, khi Gucci, Balenciaga hay nhiều gã hậu bối như Fear of God hay Off-White nhập cuộc vào sân chơi dang dở của Slimane thì Anthony Vaccarello lại đi trước một bước dài – đem về những thiết kế cầu kỳ, phá cách mang hơi hướng sang trọng pha chút hoài cổ. Việc đứng tách biệt với sự xô bồ của thời trang thế giới đã khiến Saint Laurent vô tình mà hữu ý – trở thành kẻ tạo ra xu hướng chứ chẳng cần vất vả chạy theo ý thích của số đông.

Saint Laurent và câu chuyện về sự trường tồn qua hai đời giám đốc sáng tạo: Khi phục vụ giới thượng lưu, bạn phải đẳng cấp, chẳng cần chạy theo số đông - Ảnh 2.

Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi

Nếu nhìn tất cả bằng con mắt của một người yêu thời trang, yêu cái cách mà nó biến đổi theo từng hơi thở của cuộc sống, bạn sẽ thấy hành trình trong 6 năm – 2 đời giám đốc sáng tạo – của Saint Laurent thực sự rất thú vị. Sống sót qua những ngày tháng tăm tối mà bất cứ thương hiệu nào cũng phải đau đầu tìm cách cân đối giữa doanh số, lợi nhuận cùng cá tính thương hiệu dị biệt; đứng vững trong thời đại các hãng thời trang cao cấp vật lộn trong cuộc chiến với fast-fashion, Saint Laurent giờ đây đã trở thành cái tên đảm bảo cho đẳng cấp của bất cứ ai khoác lên mình trang phục của nhà mốt xứ Paris.

Cái tên đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu năm 2017 có thể không phải là Saint Laurent, thế nhưng phong độ là nhất thời, còn đẳng cấp là mãi mãi; nhà mốt mang tên Yves sẽ luôn là kẻ tiên phong, giống như hình ảnh bước chân lịch sử trên chiếc áo khoác Moon Jacket của Saint Laurent Paris năm nào.

Quên Hermes hay Louis Vuitton đi, đây mới là thương hiệu biểu tượng của giới thượng lưu

Bài viết mới