Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ liên tục tái diễn nhiều năm nay, và danh sách các mặt hàng nông sản ế, giá rẻ như cho, nằm chờ “giải cứu” cứ ngày càng kéo dài. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước có hàng loạt mặt hàng nông sản thay nhau “kêu cứu”, trong đó phải kể đến củ cải (Mê Linh, Hà Nội), su hào (Tứ Kỳ, Hải Dương), dưa hấu (Quảng Ngãi), dứa (Phú Hòa, Phú Yên), khoai lang (Phú Thiện, Gia Lai), thanh long (Bình Thuận), chuối (Đồng Nai)… Hay thực trạng giá sữa ở Củ Chi, TP HCM rẻ như nước lã khiến nông dân nuôi bò sữa lao đao, nhiều hộ phải bán bò, thua lỗ nặng.
Nhiều nông sản Việt bị “khủng hoảng thừa”, nằm chờ “giải cứu”. (Ảnh: Củ cải, su hào được bán với giá rẻ như cho tại các siêu thị ở Hà Nội).
Những dẫn chứng trên chỉ là một vài miếng ghép trong bức tranh nông sản không mấy sáng màu, trong đó người nông dân Việt cứ mãi trong cái vòng luẩn quẩn “bí” đầu ra khi được mùa, “khan hàng” khi giá tốt. Vậy “liều thuốc” nào có thể “chữa bệnh” bí đầu ra cho nông sản Việt?
Cùng nông dân đối mặt với áp lực của thị trường
Theo ông Tạ Minh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, khó có thể tìm được chiếc “chìa khóa vạn năng” để tháo gỡ toàn diện các vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Ông Tâm cho rằng, khi ban hành Luật Trồng trọt phải tạo ra chuyển biến căn bản trong lĩnh vực trồng trọt, giúp người nông dân có nhiều thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng hành cùng người nông dân đối mặt trước những áp lực của thị trường nông sản ngày càng khó tính, tiêu chuẩn cao, cạnh tranh nhiều.
Ông Tạ Minh Tâm
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, cần luật hóa trách nhiệm thông tin thị trường, dự báo thị trường, khuyến cáo người nông dân sản xuất. Luật hóa chính sách khuyến nông, bảo vệ thực vật, chính sách thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Cụ thể hóa hơn quan điểm, chính sách đối với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp biến đổi gien, xu hướng phát triển của nông nghiệp thế giới. |
Ông Tâm lưu ý, cần xác định vấn đề an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp là vấn đề cốt lõi, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm… Ngoài ra, cần định hướng phát triển trồng trọt theo thị trường, cơ cấu quản lý sản xuất hợp lý, quy mô lớn, chất lượng hiện đại, bền vững, liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Tâm cho rằng, phải tăng cường hiệu quả, khả năng kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với các khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ giống, canh tác, phân bón, chế biến, lưu thông, thương mại hóa sản phẩm trồng trọt.
Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị
Về nguyên nhân dẫn đến các cuộc “giải cứu” nông sản thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre – nhận định, từ thực tiễn việc áp dụng chính sách đảm bảo an ninh lương thực thời gian qua đối với cây lúa cho thấy người trồng lúa không được bảo đảm lợi ích khi trồng theo quy hoạch, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa nhưng không có chính sách bảo trợ của nhà nước cho tương thích, chỉ được hỗ trợ một phần thiệt hại khi bị thiên tai, và những hỗ trợ khác nếu có cũng không đến được với người trồng lúa.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy
Trong khi đó sản xuất lúa vẫn theo nguyên tắc thị trường, điều này dẫn đến bất chấp và cảnh báo trồng không theo quy hoạch gây ra nhiều hậu quả, phải tổ chức nhiều cuộc “giải cứu” nông sản trong thời gian qua, bà Thủy cho hay. |
Bà Thủy kiến nghị, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh an toàn, tái sử dụng các phụ phẩm trong trồng trọt. Ví dụ như sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao chuyển giao giống kháng bệnh, kháng hạn, kháng mặn, thích ứng biến đổi khí hậu cần có chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu công nghệ và đào tạo lao động…
Về chính sách phát triển ngành trồng trọt theo vùng miền, bà Thủy gợi ý, ở vùng đồng bằng cần có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung tích tụ ruộng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa và khuyến khích liên kết trong sản xuất, đảm bảo tính bền vững. Vùng miền núi, hải đảo điều kiện canh tác khó khăn nên khuyến khích sản xuất hữu cơ, sản xuất giống, phát triển các giống bản địa. Vùng thành thị khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch.
|
Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch đậu cove, bán với giá rẻ như cho (500-1000 đồng/kg). (Ảnh: Xuân Yến/VOV-Miền Trung). |
Đề xuất hình thành chuỗi canh tác nông nghiệp, ông Hồ Thanh Bình – Phó trưởng Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang – cho rằng, cần có quy định chính sách ưu tiên cụ thể đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, như mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, khuyến khích mô hình sản xuất, chế biến giá trị gia tăng cho nông sản.
Ngoài ra, theo ông Bình, cần khuyến khích các mô hình sản xuất trong vùng sản xuất tập trung, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi cung ứng nông sản nội địa và liên kết chuỗi phục vụ xuất khẩu để giúp tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nông sản Việt./.