Dự án nhiệt điện Quảng Lập 1 là dự án nhiệt điện quan trọng nằm trong quy hoạch điện sơ đồ VII quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. TKV được Chính phủ giao làm chủ đầu tư với tổng vốn 2,1 tỷ USD. Nhà máy có công suất lắp đặt 2 x 600 MW gồm 2 tổ máy, dự kiến sẽ phát điện vào năm 2020 và hàng năm cung cấp vào mạng lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh điện.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công thương đã đưa ra kiến nghị thay đổi chủ đầu tư của dự án.
Một trong những nguyên nhân được Bộ Công thương nêu ra là năng lực TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai đúng tiến độ. Tập đoàn này đang gặp khó trong huy động vốn cho các dự án đầu tư, trong đó, có vốn đối ứng triển khai dự án Quỳnh Lập 1.
Theo Bộ Công thương, tính đến tháng 9/2017, tổng nợ vay hợp nhất của TKV khoảng 78.000 tỷ đồng với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 2,5 lần.
Nếu đầu tư vốn vào dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV sẽ phải huy động thêm khoản nợ vay 39.000 tỷ đồng. Sau 3 năm nữa, tổng nợ vay của tập đoàn có thể lên tới 100.000 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá quy định cho phép.
Bên cạnh đó, sau hơn 2 tháng đốc thúc hiện TKV vẫn chưa báo cáo Bộ Công Thương kết quả làm việc cuối cùng với 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc) về thu xếp vốn vay cho dự án không có bảo lãnh Chính phủ, dù đã đạt được thoả thuận ban đầu tỷ lệ vốn góp đầu tư TKV 36%, Kospo 34% và Samtan 30%.
Trường hợp TKV, Kospo, Samtan không thống nhất việc thu xếp vốn, hợp đồng mua bán điện dự án theo hướng không có bảo lãnh Chính phủ, thì việc hợp tác giữa các bên không thành công, khiến tiến độ thực hiện dự án bị chậm lại.
Bộ Công Thương lo ngại nếu tình trạng này kéo dài, không rõ khi nào các bên đạt được thoả thuận cuối cùng, và sẽ làm chậm tiến độ triển khai, vận hành dự án vào 2022 – 2023 theo quy hoạch Sơ đồ điện VII điều chỉnh.
Những vấn đề tồn tại trên khiến đề xuất phương án thực hiện dự án của TKV không thể khẳng định đảm bảo tính khả thi để trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận, theo Bộ Công thương.
Ngoài ra, nếu để tình hình thoả thuận tiếp tục kéo dài hoặc TKV phải tìm kiếm đối tác thì sẽ chậm triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, không lường hết các yếu tố phát sinh như trượt giá, trượt tỷ giá…
Vì vậy, việc giao dự án Nhiệp điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco – HUI, sẽ giúp tập đoàn giảm áp lực thu xếp vốn, và tập trung thực hiện các dự án khác.
HUI (Hongkong United Investor) – đối tác liên danh với Geleximco, có cổ đông chính là Tập đoàn năng lượng KAIDI Dương Quang, Trung Quốc. Do vậy, dù kiến nghị giao lại dự án, nhưng Bộ Công thương cũng bày tỏ lo ngại khi 80% vốn thực hiện dự án chủ yếu vay từ Trung Quốc.
80% tổng mức đầu tư dự án sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu, gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Hồ Nam, An Huy và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, nếu giao cho liên danh này dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ chuyển thành vốn tư nhân 100%. Khi dự án không dùng vốn nhà nước khó có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nội địa hoá thiết bị nhà máy nhiệt điện đốt than. Chưa kể sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư Trung Quốc, sử dụng thiết bị của Trung Quốc vào dự án…
Trong khi đó phía liên danh Geleximco – HUI tỏ ra khá tự tin vào năng lực tài chính triển khai dự án dù 80% là vốn vay. Liên danh này cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án: 3 tháng kể từ ngày thành lập công ty liên doanh sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng; 2 tháng tiếp theo ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật…