Bất chấp ngành công nghiệp còn nhiều thách thức về cơ cấu, cà phê Việt Nam vẫn đang mở rộng mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm chạp. Hiện cà phê Việt đang trải qua những bước chuyển mình tích cực nhằm củng cố vị thế của Việt Nam trong vai trò là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới trong vòng vài năm tới. Các chương trình tái canh cây cà phê cùng với mục tiêu thúc đẩy ngành chế biến và cải thiện chất lượng sản phẩm cà phê xuất khẩu sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong trung hạn.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiệu ứng El Niño kéo dài từ tháng 5/2015 đến tháng 5/2016, lượng mưa ở Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2015 và khô hạn kéo dài suốt nửa đầu năm 2016. BMI Research dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017 sẽ giảm 8,5% xuống còn 26,4 triệu bao (trọng lượng 60 kg/bao), mức thấp nhất kể từ niên vụ 2011-2012. Trong suốt kỳ hạn hán, nhiều bà con nông dân không tái canh cà phê mà chuyển sang loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn (đặc biệt là hồ tiêu và hoa quả) do giá cà phê giảm xuống thấp trước năm 2016.
Thị trường cà phê trong nước biến động giảm trong tháng 8/2017 theo xu hướng của thị trường thế giới. So với tháng trước, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.000 – 1.100 đ/kg xuống còn 44.000 – 44.700 đ/kg. Các đại lý và các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn giữ cà phê lại chờ giá cao hơn nữa mới xuất bán.
BMI Research dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2017-2018 sẽ phục hồi mạnh mẽ, tăng khoảng 8,5% lên mức 28,6 triệu bao do thời tiết thuận lợi trong vài tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê niên vụ 2016-2017 được dự báo là sẽ giảm do sản lượng cà phê trong nước bị hụt và ngành rang, xay cà phê trong nước phát triển. Trong niên vụ năm nay, thặng dư sản xuất chỉ đạt 23,6 triệu bao so với 25,6 triệu bao trong vòng 5 năm qua. Xuất khẩu cà phê sẽ đạt 26 triệu bao.
Theo báo cáo “Kết quả thực hiện kế hoạch tháng 8/2017 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xuất khẩu cà phê tháng 8 năm 2017 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,02 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 19,9% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 15,4% và 13,9%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là: Hàn Quốc (70,3%), Bỉ (29,8%), Hoa Kỳ (20%), Italia (16,7%), Angieri (13,1%) và Đức (10,2%).
Top 10 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam (Số liệu: Tổng Cục Hải quan)
Trong niên vụ 2017-2018, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trở lại do thặng dư sản xuất có thể phục hồi lên mức 25,5 triệu bao.
Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đang lên kế hoạch cho lần phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2018 do chính phủ đang rút dần cổ phần tại công ty.
Tiêu thụ cà phê ở thị trường trong nước sẽ tăng do GDP và dân số tăng kéo theo chi tiêu cho thực phẩm, và các loại đồ uống như cà phê cũng sẽ nhiều hơn. Quá trình đô thị hóa và sự phát triển nở rộ của các quán cà phê theo phong cách phương tây được dự báo sẽ góp phần không nhỏ vào xu hướng này. Trong giai đoạn từ năm 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng đáng kinh ngạc từ 0,43 kg/đầu người/năm lên 1,38 kg/đầu người/năm- mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,6 kg/đầu/năm người vào năm 2021. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kỳ vọng lượng tiêu thụ cà phê trong nước sẽ tăng 10-15%.